Thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chữa cháy rừng

Thứ tư, 15/07/2020 19:02
(ĐCSVN) - Trước tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, các địa phương cần chỉ đạo các chủ rừng phải thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, rà soát trang thiết bị, phương tiện, đảm bảo hoạt động tốt nhất khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
leftcenterrightdel
 Diễn tập công tác phòng chống cháy rừng (Ảnh: TL)

Từ ngày 30/6 – 4/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập 2 đoàn công tác đến 9 tỉnh miền Trung kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong đó, đoàn 1 do Lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đến kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đoàn 2 do Lãnh đạo Cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn kiểm tra, hướng dẫn tại 5 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra việc xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương.

Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương và các lực lượng triển khai các biện pháp chữa cháy rừng tại vụ cháy ngày 30/6/2020 ở các xã Sơn Long, Sơn Trà thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; hướng dẫn các lực lượng làm đường băng cản lửa, phát dọn thực bì quanh đám cháy, ngăn chặn lửa rừng lan ra diện rộng và dập tắt đám cháy. Đồng thời, triển khai các biện pháp an toàn cho tài sản và tính mạng của nhân dân đối với các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng quanh khu vực đám cháy.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy, các tỉnh khu vực miền Trung đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, thời tiết khô hanh kéo dài, đã nhiều ngày liên tục không mưa, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đã có những vụ cháy rừng xảy ra ở một số nơi. Các địa phương đã cơ bản chủ động thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát phương tiện, dụng cụ, tổ chức ứng trực thường xuyên vào thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Dù vậy, theo Bộ NN&PTNT, trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng, lực lượng tuy đông nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy nên công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng. Việc kiểm soát nguồn lửa trong thời kỳ cao điểm chưa thực hiện tốt, các địa phương chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, canh gác, ngăn chặn nguồn lửa có nguy cơ gây cháy rừng.

Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc đã có mưa, tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020 thời tiết tiếp tục có nhiều bất thường, trong tháng 7 và tháng 8 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40 độ C. Tình trạng khô hanh kéo dài, nên nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung là rất cao.

Do vậy, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, duy trì ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24; liên tục dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng. Thông báo kịp thời đến cơ sở để kiểm tra, xác minh phát hiện sớm cháy rừng; theo dõi, đôn đốc thường xuyên các địa phương có vùng trọng điểm cháy rừng.

Đặc biệt, với các địa phương, cần rà soát, điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, củng cố các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát trang thiết bị, phương tiện chữa cháy rừng, đảm bảo hoạt động tốt nhất khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các chủ rừng phải thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo duy trì chế độ thường trực, bảo đảm thông tin thông suốt và kịp thời. Đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng tại các điểm có nguy cơ cháy cao. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động, triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ và các địa phương xây dựng dự án “Tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025”./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực