Tìm giải pháp bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”

Thứ hai, 23/11/2020 14:52
(ĐCSVN) – Tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa; sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học... là những kiến nghị đã được đưa ra nhằm tìm giải pháp bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” tại Việt Nam.

Sáng 23/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Tập đoàn An Phát Holdings tổ chức Hội thảo khoa học: “Sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy - Triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, đại diện các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương cùng đông đảo đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ chuyên môn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết: Bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa” là một nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam được qui định rõ trong văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước và được cụ thể trong Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường gắn với phong trào “chống rác thải nhựa” đã được MTTQ Việt Nam các cấp duy trì thường xuyên và đạt những kết quả tích cực.

 Quang cảnh Hội thảo.

MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả như: Tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình điểm; tư vấn, giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường...; nhất là thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đồng thời huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, nhất là hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững; phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn trong sinh hoạt chưa được chú trọng; việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện môi trường, kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa hoàn thiện...

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nêu rõ: Trong thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường, “chống rác thải nhựa” là một trong những ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam và của cả hệ thống chính trị. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường” ; “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc”… Do đó, Hội thảo nhằm làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn về chất dẻo tự phân hủy và cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, tiêu dùng sản phẩm chất dẻo tự phân hủy tại Việt Nam. Từ đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng chung tay bảo vệ môi trường, “chống rác thải nhựa” vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi những nội dung liên quan đến vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”; những ưu điểm, hạn chế và các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”; cơ sở khoa học, thực tiễn về chất dẻo tự phân hủy; về chính sách, pháp luật, cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn và đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có sản phẩm chất dẻo tự phân hủy thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần; về giải pháp hạn chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường và “chống rác thải nhựa”…

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu tại Hội thảo.

Ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều nhận định, vấn đề rác thải nhựa trên thế giới đang ngày càng trở nên cấp bách và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Mỗi năm thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi nilon con người thải ra không được thu gom và xử lý, hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên trái đất. Rác thải nhựa và túi nilon thải ra môi trường đang tăng theo cấp số nhân, tàn phá môi trường sống của con người và cả thế giới động vật đặc biệt là sinh vật biển.... Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến xu hướng sản xuất gắn liền với sử dụng, tái sử dụng sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn hiện nay; cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa để tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy...

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sản phẩm nhựa và chất thải nhựa ngày càng phát sinh nhiều, chưa có các biện pháp kiểm soát tích cực, gây nhiều tác động xấu, ô nhiễm môi trường, điển hình chất thải là túi ni lon khó phân hủy. Nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa, giáp dục tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Mặt khác, các giải pháp công nghệ kỹ thuật là rất cần thiết và cần được khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế góp phần phát triển bền vững đất nước.

TS Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiến nghị cần thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nhựa phân hủy sinh học đáp ứng yêu cầu quản lý, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn hóa cho sản phẩm nhựa tự hủy sinh học. Đồng thời tiếp tục đầu tư phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn phục vụ hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm nhựa phân hủy sinh học.

“Phát động các phong trào thi đua thúc đẩy sản xuất, trong xu hướng sản xuất gắn liền với sử dụng, tái sử dụng sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa để tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nil on và các sản phẩm nhựa khó phân hủy, chuyển sang sử dụng các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học. Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp ngành nhựa thay đổi công nghệ sản xuất để hướng đến các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Từng bước chuyển dịch từ việc sử dụng nguồn nhiên liệu dầu mỏ sang sử sụng nguồn nhiên liệu tái tạo nhằm phát triển ngành công nghiệp nhựa của Việt Nam đáp ứng xu hướng phát triển ngành nhựa của quốc tế” - TS Nguyễn Hoàng Linh kiến nghị.

Nói về triển vọng thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, TS. Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về bảo vệ môi trường, từ năm 2013 đến nay một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sang nghiên cứu, phát triển sản xuất các vật liệu và sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ tự nhiên hay có khả năng phân hủy sinh học. Khác hoàn toàn với các sản phẩm nhựa thông thường, phải mất thời gian từ 100 thậm chí 1.000 năm mới có thể phân rã và để lại nhiều vi nhựa cho môi trường, sản phẩm từ các vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên tùy vào tính chất có thể phân hủy hoàn toàn thành nước, khí CO2 và mùn đất. “Trong “nền kinh tế tuần hoàn”, các sản phẩm từ cây trồng như tinh bột, đường mía… lại được chuyển hóa thành nguyên liệu tái tạo, là đầu vào để sản xuất các nguyên vật liệu sinh học. Chu trình khép kín này tạo thành chuỗi giá trị xanh, hoàn toàn thân thiện với môi trường và không gây bất kỳ một ảnh hưởng tiêu cực nào” TS. Đinh Xuân Cường cho biết.

Trên cơ sở ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo, Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong đó, tập trung đề xuất, tư vấn các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, “chống rác thải nhựa”; những kiến nghị, đề nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền có liên quan về bảo vệ môi trường, “chống rác thải nhựa” và sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất dẻo tự phân hủy./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực