TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác trước nguy cơ cháy nổ

Thứ tư, 07/04/2021 11:49
(ĐCSVN) – Những ngày này, TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm của đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao, trên 36-37 độ C. Dự báo nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài đến giữa tháng 5/2021. Chính vì vậy nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn Thành phố…
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại trung tâm TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy- Cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố đã tiếp nhận và xử lý 112 vụ việc liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, trong đó có một vụ cháy lớn, một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng làm 6 người chết, bị thương 1 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 3,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân được cho là do sự biến đổi khí hậu và chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô; thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân ngày càng cao gây nguy cơ cháy nổ. Trong khi đó, hệ thống dẫn điện ở các khu dân cư, các khu chợ đã xuống cấp và không được chú trọng kiểm tra thay thế kịp thời.

Tình hình cháy cỏ, rác trong khu dân cư do người dân tự đốt sẽ xảy ra thường xuyên và liên tục là một trong những nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn, trong khi đó người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, chủ hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác phòng cháy chữa cháy nên còn nhiều vi phạm, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Thêm vào đó, ý thức, kiến thức phòng cháy chữa cháy của cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dân và lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ còn nhiều hạn chế.

Để chủ động phòng cháy và hạn chế trình trạng cháy nổ, ngành chức năng khuyến cáo các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động phòng cháy chữa cháy- cứu nạn cứu hộ tại chỗ; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy chữa cháy; thường xuyên và định kỳ tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra. Các hộ gia đình cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ Công an TP Hồ Chí Minh thì cần phải thực hiện nghiêm các giải pháp về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với từng loại hình đối tượng sau, đó là: Giải pháp an toàn cho phòng cháy chữa đối với chợ và trung tâm thương mại, mỗi hộ kinh doanh chỉ trưng bày hàng mẫu và hàng bán trong một ngày với số lượng tối thiểu; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, sạp hàng đã quy định; không thắp đèn, nến, đốt nhang thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ và trung tâm thương mại; để hàng hóa dễ cháy cách bóng đèn ne-on, bảng điện, táp lô điện, cầu dao điện tối thiểu 0,5m; lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định...

Đối với các khu dân cư, nhà ở, hộ gia đình… phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động phòng cháy chữa cháy; xây dựng quy ước, hương ước về phòng cháy chữa cháy để triển khai thực hiện trong các khu dân cư. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất; Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải đậy kín; không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện...

Đối với những đối tượng kinh doanh, phải nắm vững quy trình sử dụng bếp gas, phải được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy để hướng dẫn cho khách hàng; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ theo quy định; tuyệt đối không được kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được sang nạp bình gas trái phép; khi phát hiện bình gas, bếp gas không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Tại các chung cư nhà cao tầng, cần chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về pháp luật đối với chung cư nhà cao tầng. Người dân sống trong từng căn hộ đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong việc đun nấu, thờ cúng, thắp nhang, hóa vàng mã. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa sinh nhiệt, hệ thống điện trong tòa nhà. Không đấu nối hệ thống điện vượt quá công suất của các thiết bị điện… Phổ biến các thành viên trong gia đình kỹ năng thoát hiểm; mỗi căn hộ chung cư nên trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, thang dây thoát nạn. Tăng cường công tác thường trực bảo vệ nhất là khu vực tầng hầm. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy có nguy cơ cháy nổ xảy ra./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực