|
Hẻm 142D Cô Giang sau khi được hiến đất, mở rộng. (Ảnh: Như Ngọc). |
Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, ngày Thương binh liệt sĩ, bên cạnh việc chăm lo chính sách theo quy định chung, Thành phố đã tổ chức vận động các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân chăm lo, thăm hỏi, tặng quà cho người có công, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên được thực hiện vào tháng 2/1982 tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, đến nay, Thành phố đã xây dựng được trên 17.000 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.
Đáng chú ý, qua hơn 32 năm triển khai chương trình “Xóa đói, giảm nghèo”, Thành phố đã thực hiện qua 5 giai đoạn với 8 lần nâng mức chuẩn nghèo và hiện chuẩn hộ nghèo của Thành phố cao gấp 3 lần so với chuẩn quốc gia. Từ cuối năm 2016, Thành phố đã không còn hộ nghèo có thu nhập theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (dưới 10,8 triệu đồng/người/năm). Đầu năm 2019, Thành phố nâng chuẩn nghèo lên mức 28 triệu đồng/người/năm; hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng/người/năm và áp dụng tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều trong tổ chức thực hiện. Đến nay, Thành phố còn 39.380 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 1,55% tổng số hộ dân của Thành phố).
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Đảng bộ Thành phố đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp và chăm lo đời sống nông dân ở các huyện ngoại thành, nhất là khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Từ năm 2009 đến năm 2019, Thành ủy đã ban hành gần 100 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời huy động các ngành, các cấp cùng tham gia thực hiện và Thành phố đã có sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2014, khi các xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo chuẩn quốc gia, Thành phố chủ động đề ra các tiêu chí đặc thù riêng nhằm nâng cao chất lượng chương trình và đảm bảo việc duy trì việc thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Chính phủ. Ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo đặc thù vùng nông thôn thành phố với 11 chỉ tiêu đặt ra cao hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia. Kết quả năm 2015, Thành phố có 54/56 xã hoàn thành 19 tiêu chí và 4/5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, 56/56 xã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc Thành phố sớm thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng văn hóa, chợ, bưu điện, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm…đã trực tiếp và gián tiếp mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân tại 5 huyện ngoại thành.
Đặc biệt, hơn 20 năm qua, toàn Thành phố đã thực hiện được 5.230 công trình, trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm; gần 168.140 hộ dân đã hiến 5,4 triệu m2 đất, tương đương 10.050 tỷ đồng và Nhân dân đóng góp thêm 458 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai thực hiện nhuần nhuyễn, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin nơi Nhân dân.
Qua triển khai Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Tính đến tháng 9/2020, có 311/322 phường, xã, thị trấn được công nhận “sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” đạt tỷ lệ 98,44%; xóa 814/824 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, tỷ lệ 98,7%, trong đó, có 142 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; bổ sung 34.413 thùng rác công cộng; lắp đặt, bổ sung kết nối 28.257.580 camera giám sát an ninh trật tự kết hợp giám sát các trường hợp thải bỏ rác sai quy định...Từ 2021 đến tháng 5/2023, toàn thành phố xóa 505/568 điểm ô nhiễm môi trường do rác; chuyển hóa 198 điểm thành vườn hoa, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Trong công tác cải cách hành chính, thành phố lấy “Yếu tố con người” với ý thức tự đổi mới, xác định phục vụ cá nhân, doanh nghiệp là mục tiêu hướng tới và chủ động đề ra sáng kiến, giải pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành, quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Ban chỉ đạo cải cách hành chính thành phố tổ chức nhiều buổi hội thảo; chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh kiểm soát, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, công dân và doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò điều hành, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, quy định pháp luật tạo sự đột phá trong xây dựng và phát triển thành phố…
Công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn TP đã phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.