TP.Hồ Chí Minh khắc phục khó khăn trong xử lý chất thải sinh hoạt

Thứ hai, 10/04/2017 20:28
(ĐCSVN) – Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, mỗi ngày trên địa bàn Thành phố này phát sinh từ 7.200 tấn đến 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, chỉ riêng tại các nơi công cộng cũng đã là khoảng 200 tấn.

Thu dọn rác thải sau một sự kiện văn hóa ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh (Ảnh: K.V).

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh nói trên được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngành chức năng, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, vẫn còn khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường các thùng rác công cộng, vứt rác xuống các hệ thống kênh, rạch trên địa bàn Thành phố.

Trước thực trạng này, hàng ngày, TP.Hồ Chí Minh vẫn phải có lực lượng thường xuyên quét dọn, thu gom các chất thải phát sinh trên vỉa hè, dọc theo hai tuyến đường, trong các thùng rác công cộng và các bô rác. Ở khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân đạt khoảng 70% đến 80%, do khu vực ngoại thành còn nhiều khu đất trống như ao, vườn nên một bộ phận nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý tỷ lệ rác còn lại trong khu đất của mình.

Bà Quách Túy Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích quận 1, TP.Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi trên đường phố, hè phố vẫn còn xảy ra. Nhất là sau những sự kiện văn hóa, văn nghệ trên địa bàn, anh em công nhân của Công ty đã phải thu dọn rác thải trên chục km đường phố.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, các đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện nay gồm có Sở Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm điều hành chống ngập nước Thành phố; Sở Giao thông vận tải và các Công ty dịch vụ công ích của 14 quận, huyện. Điều này cũng đã làm cho việc thu gom rác thải trên địa bàn Thành phố gặp không ít khó khăn do có sự chồng chéo, phân cấp chưa hợp lý.

Ông Đoàn Đình Trọng, người dân phường 3, quận 8, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều hộ dân không có ý thức đã xả rác tràn lan ruống kênh rạch, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước, sự tiện tay này đã gây nên những ngập úng không đáng có ở khu vực ông Trọng sinh sống mỗi khi có mưa lớn xảy ra.

Nói về tình hình phức tạp trong việc thu gom rác thải ở địa phương mình quản lý, ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức cho rằng, Thủ Đức là một quận giáp ranh với tỉnh Bình Dương, quận 2, quận 9, nới tập trung các trường đại học, các khu chế xuất, công nghiệp, chính vì vậy, dân cư ngoại tỉnh đến học tập và làm ăn sinh sống chiếm đa phần. Việc tuyên truyền giữ vệ sinh chung cũng như thói quen tập kết rác vào nơi quy định tương đối khó khăn. Nhiều khu nhà trọ công nhân, sinh viên thực hiện tốt, nhưng cũng không ít nơi người dân thiếu ý thưc ném rác bừa bãi ra đường, hoặc xách rác ra đường vào giờ khuya bỏ đó để không phải trae tiền dọn rác…

Nhận thức về sự ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội… của Thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X đã đưa Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 là một trong bảy giải pháp đột phá của Thành phố. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã xác định tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. Cùng với đó là 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh.

Thành phố cũng phấn đấu giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 50% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.v.v…

Muốn làm tốt việc này, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Thường xuyên quán triệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, các ngành, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp, liên tịch về bảo vệ môi trường giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kiên trì phát động, vận động và tổ chức phong trào hành động thiết thực bảo vệ môi trường sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm vận động nhân dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày như phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phân loại chất thải nguy hại hộ gia đình, giảm thiểu và tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng túi ni-lông; không xả rác, không làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; tham gia vệ sinh đường phố, khu dân cư; trồng cây xanh. Khuyến khích và chia sẻ các giải pháp, sáng kiến bảo vệ môi trường trong sinh viên, học sinh, trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp thông qua các hội thảo, hội thi.

Ngoài ra cũng cần nâng cao chất lượng các chương trình tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình) bằng việc thực hiện các chuyên mục, chương trình thường kỳ với khung thời gian cố định để người dân dễ theo dõi và có sự tương tác, phản hồi về chương trình. Tăng cường các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trên sóng truyền hình. Cùng với đó là nâng cao chất lượng các Giải thưởng môi trường để kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Đối với công tác quản lý chất thải, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh quản lý lực lượng thu gom rác dân lập và các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận-huyện; kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm trung chuyển chất thải rắn; triển khai phương án đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố đến năm 2020. Kiểm tra, giám sát việc phân loại thu gom, lưu trữ chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế và chương trình phân loại rác tại nguồn; thực hiện dự án xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường tại các khu liên hợp xử lý chất thải.

 Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm lĩnh vực môi trường; xây dựng giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý rác tiên tiến, giảm cơ cấu chôn lấp theo quy hoạch, trồng cây xanh cách ly giữa khu vực xử lý và vùng lân cận; điều chỉnh các quy định về quản lý nghĩa trang, quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp với tình hình phát triển mới./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực