Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh rủi do động đất cho cộng đồng

Thứ ba, 23/11/2021 23:21
(ĐCSVN) – Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý toàn cầu, trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh rủi do động đất sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng.
 TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý toàn cầu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Văn Trọng

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho cộng đồng”.

Hội thảo nhằm phổ biến rộng rãi các kiến thức cơ bản về động đất và các kỹ năng ứng phó để giảm thiểu rủi ro do động đất cho cộng đồng. Hội thảo cũng hướng đến thống nhất các khái niệm liên quan trong công tác phát tin, tuyên truyền, phổ biến từ cơ quan phát tin, các cơ quan liên quan liên ngành, cơ quan truyền thông trong mạng lưới ứng phó sự cố thiên tai của Quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý toàn cầu cho biết: Trong những năm qua, trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên kiến thức về động đất, sóng thần, giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro của cộng đồng dân cư và các cấp quản lý đang còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi do động đất cho cộng đồng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao kỹ năng ứng phó.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác. Nhưng chỉ một năm, từ tháng 7/2019 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2.5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta.

Nổi bật là các trận động đất: tại Cao Bằng ngày 25/11/2019 có độ lớn 5.4; tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu ngày 16/6/2020 có độ lớn 4.9; tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngày 27/7/2020 có độ lớn 5.3. Các trận động đất này kéo theo hàng chục dư chấn gây ra những tiếng nổ lớn, kèm theo hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm hư hại một số nhà dân, đơn vị bộ đội ở gần tâm chấn...

Tại Thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng của các trận động đất này, nhiều nhà cao tầng bị rung lắc nhẹ làm nhiều người hoảng sợ. Các trận động đất liên tiếp thời gian qua đã tác động đến cuộc sống của người dân: gây các thiệt hại về tài sản, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng.

PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Các trận động đất xảy ra đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết về các kỹ năng ứng phó, tự bảo vệ của người dân. Nhận thức của người dân về loại hình thiên tai này đã có những tiến bộ rõ ràng nhờ các phương tiện thông tin phát triển, tuy nhiên cũng chính những nguồn thông tin đa dạng, không chính thống lại gây ra nhiều hiểu lầm, hiểu sai các thông tin thông báo của cơ quan chuyên môn khiến cộng đồng càng thêm hoang mang.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung chính gồm: làm rõ các khái niệm thường được sử dụng trong công tác báo tin, truyền tin về động đất; phổ biến các kiến thức phổ thông về loại hình thiên tai này như: các cơ chế hình thành một trận động đất; các nguyên nhân cũng như tác động do động đất gây ra…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực