Ứng phó với bão số 8: Nhiều địa phương đã cấm biển

Thứ tư, 13/10/2021 14:57
(ĐCSVN) - Triển khai ứng phó với bão số 8, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa đã cấm biển.
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

 Quảng Bình sẽ cấm biển từ 16h00 ngày 13/10/2021. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, triển khai ứng phó với bão số 8, về tàu cá, hiện đã kiểm đếm, hướng dẫn 39.123 phương tiện/140.017 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, hoạt động ở khu vực Quảng Ninh đến Đà Nẵng 304 tàu/1.735 người (các phương tiện đã nắm được thông tin bão số 8 và đang di chuyển về bờ); neo đậu tại các bến 38.819 tàu/138.282 người.

Về tình hình cấm biển, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế duy trì việc cấm biển. Tỉnh Thanh Hóa đã cấm biển từ 18h00 ngày 12/10; tỉnh Quảng Bình sẽ cấm biển từ 16h00 ngày 13/10/2021.

Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định và từ Đà Nẵng đến Phú Yên kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền (chỉ đánh bắt ven bờ và hoạt động ở các khu vực ngoài vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 8).

Hiện nay, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 54.592 ha (gồm nuôi nước mặn lợ: 12.303 ha, nuôi nước ngọt: 42.289 ha). Nuôi lồng, bè với 6.454 ô lồng; 401 lều, chòi canh nuôi nhuyễn thể.

Ngoài ra, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài 708km; có 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để tiếp tục ứng phó với bão số 8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.

Đáng chú ý, cần chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.

Bên cạnh đó, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó với bão và dịch COVID-19. Ngoài ra, hỗ trợ và đảm bảo an toàn đối với người dân di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng dịch COVID-19./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực