Vu Lan báo hiếu trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt

Thứ tư, 17/08/2016 10:06
(ĐCSVN) - Đạo Phật với nhiều truyền thống tốt đẹp trong đó có Lễ Vu Lan báo hiếu đã hài hòa vào sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ bao đời, trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc.


Ảnh: minh họa

Hiếu thảo với cha mẹ là đạo đức, là chuẩn mực ứng xử của con người, là nhân tố quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Vì lẽ đó, bao đời nay, trong tâm thức người Việt, báo hiếu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và bất hiếu là tội nặng nề, bị cả xã hội lên án.

Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường giải thoát của chính pháp. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là Phật tử chân chính. Kinh "Nhẫn nhục" nói rằng: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu". Hằng năm, đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, Phật tử các phương lại tổ chức lễ Vu Lan để báo hiếu. Lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam Bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ, những người quá cố trong bảy đời, nếu ai đã làm điều tội lỗi ở trần gian, khi mãn phần bị đọa vào địa ngục, sẽ được nhờ ân đức Tam Bảo ra khỏi địa ngục, sinh về các cõi an lành khác. Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. 

Điểm tương đồng trong văn hóa đạo đức người Việt với văn hóa Phật giáo về chữ "Hiếu" đã giúp đạo Phật trở thành một trong những tôn giáo được nhiều người Việt quan tâm dù không phải là tín đồ. Vì lẽ đó, Lễ Vu Lan báo hiếu của đạo Phật thu hút nhiều người, nhiều thế hệ tham gia hơn cả. Đây không chỉ là dịp để mọi người thể hiện sự hiếu thuận, thành kính với cha mẹ mà còn là dịp để lên chùa cầu nguyện, cảm nhận ân đức của cha mẹ cũng như làm công quả. 

Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, nhà chùa bắt đầu tổ chức Đại lễ Vu Lan với những nghi thức như: Giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh… Người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì cài bông hồng trắng... để mọi người nhớ về mẹ của mình.

Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ hãy biết trân trọng hiện tại. Vì thế, Vu Lan có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Và cũng vì thế, dù không là tín đồ đạo Phật, nhiều thế hệ người Việt vẫn hướng tới Phật giáo, tới chùa vào những ngày tháng 7 mưa ngâu. Nhiều gia đình gửi con đến chùa, nhiều bạn trẻ tự tìm đến chùa để nghe giảng về chữ hiếu, để tự mình hiểu hơn công ơn của của cha mẹ, tổ tiên mà tu tâm sửa tính, mà điều chỉnh hành vi. Những tư tưởng nhân văn, cao đẹp của đạo Phật về chữ "Hiếu" đã thẩm thấu, hòa hợp với nghĩ suy trong tiềm thức. Bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc của Kinh Phật vì thế mà thẩm thấu nhẹ nhàng nhưng có sức sống vô cùng bền bỉ.

Thiết nghĩ, báo hiếu mẹ cha, tưởng nhớ tổ tiên không chỉ có ngày Vu Lan mà cần có cả cuộc đời bởi “cù lao chín chữ” sâu nặng vô ngần. Báo hiếu không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn cần đáp ứng nhu cầu tinh thần, làm cho cha mẹ được yên vui, an lòng. Đó mới là chữ "Hiếu" trọn vẹn. Giáo dục chữ "Hiếu" cho thế hệ trẻ cũng cần kết hợp nhiều hình thức khác nhau. Từ việc giáo huấn qua ca dao, tục ngữ, truyện kể… của văn học dân gian đến vận dụng các giá trị văn hóa của các tôn giáo như đạo Phật và cần cả việc làm gương của chính những người lớn xung quanh. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng có trách nhiệm trong công việc quan trọng này để xây dựng được thế hệ tương lai có văn hóa, đạo đức.

Đảng và Nhà nước ta coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo mà cần phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời, đẹp đạo", tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, những giá trị văn hóa tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và các tôn giáo khác khi du nhập vào Việt Nam có dịp phát huy, hòa nhập với đời sống tinh thần của người Việt, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, đưa dân tộc đi xa hơn./.

Hiền Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực