Xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với trẻ em

Thứ sáu, 07/10/2022 22:41
(ĐCSVN) - Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường quyền năng cho trẻ em, góp phần xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Ngày 7/10, tại trường THCS thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vì một tương lai bình đẳng”. 

Thời gian qua, UBND TP đã ban hành đầy đủ, kịp thời các Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em…, các chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia của Chính phủ về trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em và thực hiện nghiêm túc.

Thông điệp trẻ em gái gửi gắm qua chương trình.

Tuy nhiên, trẻ em vẫn còn phải đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, khuôn mẫu giới, định kiến giới của xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình còn tồn tại, việc chứng kiến và chịu đựng những vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các em.

Theo báo cáo của UBND TP, từ năm 2019 - 2021, đã phát hiện 315 vụ xâm hại 359 trẻ em, đã xử lý hình sự 298 vụ, chiếm 94,6%, xử lý hành chính 8 vụ chiếm 2,54%, trong đó nổi lên là các hành vi xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn 81,6%. Những con số trên cho thấy việc tăng cường quyền năng trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái và xây dựng môi trường sống bình đẳng, an toàn, thân thiện là vấn đề cấp thiết, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Ngày 29/8/2022, UBND TP phê duyệt Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2026 do Hội LHPN TP tham mưu. Mục tiêu của đề án là quán triệt thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, TP về công tác phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của phụ nữ, gia đình và cộng đồng trong phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng TP an toàn, thân thiện, trong đó lấy phòng ngừa là chính, phát hiện và kịp thời hỗ trợ các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, trong đó tập trung nhân rộng mô hình “Làng quê an toàn”, xây dựng mô hình “Tổ dân phố an toàn” và xây dựng thí điểm mô hình "Một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại".

Nhiều bức tranh tại chương trình thể hiện mong muốn xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em. 

Hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em với chủ đề năm 2022 “Lắng nghe trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vì một tương lai bình đẳng”,  Hội LHPN TP Hà Nội kêu gọi chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân tiếp tục chung tay thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Đối với cán bộ, hội viên phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội đề nghị gắn hoạt động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch", chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phối hợp tham gia xử lý các vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực