Xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm xóa bỏ các hình thức lao động tồi tệ cho trẻ em Việt Nam

Thứ hai, 29/03/2010 16:37
(ĐCSVN) - Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cơ quan Hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) và Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã ký kết Dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất ở Việt Nam với tổng kinh phí tài trợ là 2,5 triệu Euro.

Dự án này của ILO hướng tới mục tiêu phòng ngừa và từng bước xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em ở Việt Nam. Dự án có tầm ảnh hưởng quốc gia và thực hiện các chương trình hành động trực tiếp của dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ 5.000 trẻ em và vị thành niên tham gia vào các hình thực lao động trẻ em tồi tệ nhất ở 5 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai.

Dự án gồm các hợp phần chính là: Cải thiện cơ sở thông tin và dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em và các hình thức tồi tệ nhất; hoàn thiện các khung chính sách quốc gia và xây dựng năng lực cho các cơ quan chính phủ, tổ chức đoàn thể và xã hội dân sự nhằm xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xây dựng, thực hiện các mô hình can thiệp lồng ghép ở một số tỉnh trọng điểm nhằm ngăn ngừa, bảo vệ, đưa các em ra khỏi công việc nguy hại, phục hồi và tái hoà nhập, đồng thời tài liệu hoá và nhân rộng mô hình trong cả nước.        

Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ tương đối cao, gần 33% tổng dân số có độ tuổi từ 0 – 17 tuổi. Theo kết quả khảo sát của Viện khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐ TB&XH tiến hành năm 2009 tại 8 tỉnh cũng cho thấy lao động trẻ em có ở tất các các độ tuổi từ  5 – 17 tuổi.

Năm 2009, theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, cả nước hiện có khoảng 25.000 trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Phát biểu tại Lễ ký kết dự án, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá: “Việc chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất là cơ sở thực tiễn và cũng là điều kiện để chúng ta xây dựng và thực hiện một chương trình quốc gia nhằm phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất”.

Dự án được thực hiện trong vòng 4 năm, và do AECID tài trợ kinh phí ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực