"Để Việt Nam sánh vai với những cường quốc sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới"

Thứ ba, 04/09/2018 10:20
(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa tại Chương trình Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình năm 2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức; công trình của chị và nhóm tác giả một lần nữa được bình chọn là 1 trong 8 công trình được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 14.

Hội tụ nhiều đặc tính tốt trong một giống lúa mới, công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” không chỉ được nông dân nhiều tỉnh, thành lựa chọn mà còn giúp nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nói đến OM6976 và OM5451 là nói đến hai giống lúa kết hợp được nhiều đặc tính tốt vào một giống lúa mới. Năng suất cao, chất lượng tốt, giàu vi chất dinh dưỡng, kháng rầy nâu, kháng bệnh đạo ôn, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá… là những nhận xét của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu dành cho hai giống lúa đang là giống chủ lực ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa - tác giả chính của nhiều giống lúa quốc gia và giống lúa sản xuất thử cho hay, chị cùng nhóm tác giả là “cha đẻ” của OM6976 và OM5451 đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, chọn tạo ra hai giống lúa với rất nhiều ưu điểm. Đặc biệt, việc chuyển đặc tính giàu sắt, kẽm vào các giống lúa Việt Nam lại dễ thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng, miền, từ đất phù sa ngọt đến đất nhiễm phèn, mặn, phù hợp trồng cả ba vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông chính là điểm ưu việt của công trình vừa có giá trị khoa học, vừa có giá trị kinh tế này.


PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa đại diện cho nhóm tác giả nhận biểu trưng của chương trình Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình - Ảnh: Minh Châu

“Cả cuộc đời tôi gắn bó với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, làm việc như những người nông dân thực thụ, tôi thương những người nông dân “chân lấm tay bùn” vất vả tối ngày mà gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng đôi vai. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, với những kiến thức mà chúng tôi học hỏi được, những kinh nghiệm đã được tích lũy, cần phải làm gì đó giúp cho đất nước, để Việt Nam sánh vai với những cường quốc sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới”, PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa chia sẻ.

9 năm kiên trì, lai tạo thử nghiệm, những ngày đêm gắn bó với đồng ruộng và phòng thí nghiệm, PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa cùng cộng sự giờ đây cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi “đứa con tinh thần” được nông dân đón nhận rộng rãi.

Ông Hồ Văn Hải, nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ từ khi chọn OM6976 và OM5451 để trồng cấy chỉ có mong muốn duy nhất: “ước sao giống lúa này xuất hiện sớm hơn để bản thân tôi cùng nhiều hộ nông dân khác bớt cực, bớt phải chống chọi với dịch bệnh hoành hành cây lúa mà chất lượng gạo lại rất đảm bảo”.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trọng điểm của cả nước, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu. Việc đưa OM6976 và OM5451 đảm bảo cả năng suất và chất lượng vào trồng đại trà đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, thu nhập của nông dân cũng được cải thiện đáng kể nhờ hai giống lúa này.

“Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả là hết sức quý báu, làm giàu thêm kho giống lúa nước nhà và làm giàu cho đất nước”, TS Trần Ngọc Thạch đánh giá.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa cung cấp thêm, từ năm 2012, sau khi được công nhận là giống quốc gia, chỉ sau 3 năm, diện tích gieo trồng OM6976 và OM5451 ở đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam bộ đã lên đến cả triệu ha. Có tỉnh, hai giống lúa đã chiếm đến gần 50% diện tích gieo trồng như tỉnh Hậu Giang (44,3%), Cà Mau (40,0%). Năng suất của 2 giống lúa bình quân các vụ trong năm đạt 6-8 tấn/ha, cao gấp rưỡi các giống lúa khác. Giá lúa khô bình quân đạt 6.300 đồng/kg, lợi nhuận mà hai giống lúa đem lại so với các giống lúa khác cũng tăng thêm 3 triệu đồng/ha. Với diện tích 1 triệu ha trong một năm, tổng lợi nhuận mới tăng thêm trên toàn bộ diện tích ứng dụng hai giống lúa mới là 2.970 tỉ đồng.

Hai giống lúa mới OM6976 và OM541 cũng đã được các doanh nghiệp tiếp nhận qua hình thức chuyển nhượng bản quyền để sản xuất kinh doanh. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM6976. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM5451.

Năm 2017, công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” của PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà cùng nhóm tác giả vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. Mới đây, công trình này một lần nữa được bình chọn là 1 trong 8 công trình được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 14.

Chương trình Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình năm 2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức, tôn vinh 8 công trình là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của người Việt Nam; minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, đóng góp quyết định vào những thành tựu nổi bật của đất nước trong những qua./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực