Hội thảo khoa học “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay”

Thứ sáu, 22/09/2017 16:20

(ĐCSVN) – “Nghiên cứu sự tồn tại, phát triển các tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trong thế giới hiện đại là một trong những yêu cầu cơ bản, cấp bách đối với chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, đối với chủ nghĩa Mác- Lênin và các lĩnh vực khoa học chính trị nói chung. Đó còn là yêu cầu cơ bản, cấp bách của việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành giảng viên lý luận Mác- Lênin, lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học ở Việt Nam”.

Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Công Tuấn, nguyên Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu lên tại Hội thảo khoa học “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay” được tổ chức vào sáng 22/9, tại Hà Nội.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo - Ảnh: Vân Hạnh

PGS.TS Đỗ Công Tuấn cho biết, 20 tham luận gửi đến Hội thảo đều có chủ đề liên quan đến các phương diện, nội dung cơ bản của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và nghiên cứu các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay, trong đó chú trọng đến những vấn đề lý luận chung mang tính nguyên tắc, có giá trị phương pháp luận cho nghiên cứu các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại hiện nay; những tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa được nhận dạng, được đưa ra từ khảo sát một số mô hình chủ nghĩa xã hội, trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới; những tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa được nhận dạng và đưa ra từ khảo sát công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe và thảo luận một số nội dung mang tính lý luận và thực tiễn, tham khảo một số mô hình chủ nghĩa xã hội trên thế giới như: Về một khái niệm lớn “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa”; một số giá trị và hạn chế của chủ nghĩa xã hội sinh thái; Vài nét về mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI khu vực Mỹ Latinh; Về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; Cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội của Cuba: Những thành tố cơ bản và nguyên tắc định hướng; Sự phát triển quan niệm về mô hình chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; Chủ nghĩa xã hội hiện thực và những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ về ý nghĩa của phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh đối với sự phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào Cộng sản công nhân quốc tế, TS Nguyễn Vân Hạnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từ việc phân tích, làm rõ các xu hướng lý luận về cánh tả Mỹ Latinh cho rằng: phong trào cánh tả Mỹ latinh có thể coi là cơn gió lành cho CNXH hiện thực và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Mặc dù hiện nay (nhất là sau sự ra đi của tổng thống Hugo Chávez), Venezuela nói riêng và Mỹ Latinh nói chung đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, nhưng những đóng góp của nó cho sự nghiệp đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, hòa bình và CNXH là không thể phủ nhận. Khủng hoảng của Mỹ Latinh cho thấy cần hoàn thiện hơn nữa về mặt lý luận cho “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”, đây cũng là một bài học sâu sắc đối với công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo PGS.TS Bùi Thị Kim Hậu, tư tưởng xã hội chủ nghĩa vô sản ở Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử Việt Nam. Nó được đúc kết qua quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhất là, khi dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa tư tưởng yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới của thời đại là chủ yêu nước gắn với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Qua quá trình nhận thức về đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được làm sáng tỏ hơn. Đó là kết quả của sự kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Qua đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và làm phong phú quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tư tưởng xã hội vô sản.

Đề cập đến tư tưởng xã hội chủ nghĩa về phân phối công bằng và những ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay, TS Bùi Lệ Quyên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, phân phối công bằng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, vừa là tiền đề tạo ra ổn định xã hội, vừa là động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Phân phối công bằng của cải trong xã hội tạo nên một xã hội đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và công cộng. Không nhất thiết phải rất giàu có mới có thể thực hiện công bằng xã hội mà ngay khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, còn nghèo nàn, nếu có cơ chế quản lý của Nhà nước tốt, vẫn có thể điều tiết và đảm bảo thực hiện tốt công bằng xã hội.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống thuế ở nước ta mặc dù đã qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa bao quát được hết các nguồn thu và chưa đảm bảo tính công bằng. Trong thu ngân sách, thuế thu nhập còn đóng góp chưa tương xứng. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp từ các loại thuế, phí và các loại đóng góp khác nhau ở khu vực nông thôn đang tạo ra gánh nặng cho nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, có một thực trạng là tệ nạn tham nhũng diễn biến phức tạp, hệ quả tất yếu của việc phân phối theo quyền lực đối với những quan chức có quyền, gây bất bình đẳng lớn và dư luận xấu trong xã hội. Một mặt, phân phối công bằng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nhưng mặt khác, nó cũng là mục tiêu hướng tới, là động lực để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, thực hiện phân phối công bằng sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên một cách hiệu quả.

TS Bùi Lệ Quyên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu Nhà nước có một bộ máy chính quyền đủ mạnh, hoạt động minh bạch trên cơ sở luật pháp và có một chính sách phân phối hợp lý, một hệ thống luật pháp hữu ích thì có thể đảm bảo thực hiện tốt công bằng xã hội…/.

Vân Hạnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực