Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng

Thứ ba, 23/07/2019 17:43
(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội khi dẫn đầu đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình 07-Ctr/TU tại quận Đống Đa.

60 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng

Để MTTQ là địa chỉ tin cậy người dân phản ánh, kiến nghị về phòng chống tham nhũng

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận
buổi kiểm tra. (Ảnh:TA)

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Đống Đa Đặng Việt Quân cho biết: Thực hiện Chương trình 07-Ctr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Quận ủy – HĐND- UBND quận Đống Đa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có các giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường; các cơ chế, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn, nhất là cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí được rà soát, sửa đổi, bổ sung, đảm bảo công khai, minh bạch. Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của quận luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu.

Công tác kiểm điểm, phê bình có chuyển biến rõ nét, các cán bộ đảng viên luôn thẳng thắn đóng góp các ý kiến, thống nhất đề ra biện pháp giải quyết những vấn đề nổi cộm bức xúc trên địa bàn. Trong công tác quản lý điều hành thực hiện các nhiệm vụ được giao, các đồng chí lãnh đạo luôn lắng nghe đóng góp từ cán bộ, đảng viên, qua đó nâng cao ý thức tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đẩy lùi sự suy thoài về tư tưởng chính trị trong một bộ phận đảng viên.

UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc quận và UBND 21 phường thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch theo quy định của Luật PCTN theo chức năng nhiệm vụ; đảm bảo tất cả các thủ tục hành chính phí, lệ phí, quy trình, thời gian giải quyết từng thủ tục đều được công khai, đầy đủ bằng bảng niêm yết tại các đơn vị và trên trang thông tin điện tử của quận. Trong nội bộ từng cơ quan cũng công khai minh bạch hoạt động tài chính, công tác cán bộ theo quy chế làm việc và chi tiêu nội bộ.

Từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã kiểm tra được 229 tổ chức đảng, giám sát 82 tổ chức đảng và 87 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp các tổ chức đảng và đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Đối với Ủy ban Kiểm tra các cấp, đã kiểm tra 15 cấp ủy viên, đảng viên và 11 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 1.612 lượt tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; kiểm tra 65 tổ chức đảng cấp dưới về thi hành kỷ luật đảng; kiểm tra 1.746 lượt tổ chức đảng về thu chi đảng phí và tài chính của đảng. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã trực tiếp xử lý kỷ luật và đề nghị cấp ủy xử lý kỷ luật 73 đảng viên, trong đó khiển trách 59, cảnh cáo 11, khai trừ 19…

Công tác cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2016 đến nay, quận đã thụ lý 186 vụ khiếu nại, tố cáo; giải quyết 112 vụ. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra, truy tố xét xử được chú trọng; các cơ chế, chính sách, chế độ định mức, tiêu chuẩn nhất là cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng lãng phí được rà soát, sửa đổi, bổ sung…Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Đống Đa Đặng Việt Quân thừa nhận, việc thực hiện Chương trình 07 trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc thực hiện các nội quy, quy chế chưa thường xuyên, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp chưa triệt để tiết kiệm, gây lãng phí. Chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Việc kết hợp công tác đấu tranh PCTN, lãng phí với công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác phòng, chống tội phạm còn một số hạn chế nhất định. Cơ chế chính sách vẫn còn một bất cập,chưa đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế dẫn đến tình trạng vận dụng không đúng, không thống nhất khi thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, quận Đống Đa đã chủ động triển khai Chương trình 07 nghiêm túc, bài bản. Đây là sự cố gắng lớn vì Đống Đa là quận lớn với dân số trên 45 vạn người và cũng là Đảng bộ lớn nhất của Đảng bộ Thành phố Hà Nội với 89 tổ chức cơ sở đảng, thu ngân sách trên 10 nghìn tỷ đồng/năm và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh... Đây vừa là lợi thế nhưng cũng là sức ép về an ninh trật tự, công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp khó lường. Nhưng nhờ triển khai bài bản Nghị quyết 07 nên quận đã tạo chuyển biến rõ trên các mặt, nêu cao vai trò người đứng đầu, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường cải cách hành chính, chủ động phòng ngừa tham nhũng vặt, giữ vững tình hình ổn định ngay tại cơ sở… 

Đề cập đến những hạn chế đang tồn tại, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 07. “Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về PCTN, lãng phí, coi đây là công việc thường xuyên, cấp bách, lâu dài gắn với việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI,XII về xây dựng Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm trước việc của đơn mình. Trong PCTN lấy phòng ngừa là chính và khi phát hiện phải xử lý nghiêm minh. Phát huy vai trò nòng cốt là cơ quan khối nội chính” – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, tăng cường quản lý nhà nước trong công tác PCTN, đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu trong quản lý tài sản, kể cả tài sản công. Đặc biệt là phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, phương pháp phù hợp; tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý tài sản công... Cùng với đó phát huy hơn nữa cái trò giám sát, phản viện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng để cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia và công tác PCTN, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lê Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực