Xây dựng người cán bộ mẫu mực qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05

Thứ năm, 15/10/2020 11:07
(ĐCSVN) – Xây dựng hình ảnh người cán bộ có đức, có tài luôn được cấp ủy địa phương quan tâm. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 và các quy định của Đảng về nêu gương được các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện với nhiều nét sáng tạo đã mang lại hiệu quả tích cực.

Lồng ghép thực hiện Nghị quyết với Chỉ thị 05

Thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW là một trong những tiền đề để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Ngược lại, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 cũng là thể hiện sinh động của việc thực hiện Chỉ thị 05. Từ nhận thức trên, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhiều đảng bộ địa phương đã chú trọng gắn triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4. Nhờ đó, việc lồng ghép khi thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực.

leftcenterrightdel

Cán bộ  Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của TP Tây Ninh giải quyết hồ sơ cho người dân. 

Ảnh: nhandan.com.vn

Đã 4 năm nay, khi Nghị quyết Trung ương 4 ra đời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh đã chủ trương đổi mới cách làm, đặc biệt trong triển khai thực hiện quy định nêu gương và việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm và Chỉ thị 05. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã triển khai tích hợp thực hiện các nội dung cam kết thông qua “Sổ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên” và “Sổ đăng ký cam kết và theo dõi kết quả phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên”.

Bên cạnh đó, các cấp uỷ đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; đã chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân đối với nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ việc được dư luận xã hội, nhân dân quan tâm.

Còn đối với tỉnh Phú Thọ, các cấp cơ sở bám sát kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05, trong đó chú trọng tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, cơ quan, đơn vị đó. Các  cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp phải ký cam kết về trách nhiệm nêu gương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 với 7 nội dung cụ thể.

Bên cạnh đó, các cấp ủy luôn phải rà soát, bổ sung các nội quy, quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường vai trò nêu gương, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, đảng viên; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác; trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực về các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân, nhằm đổi mới tác phong công tác, sát dân, sát cơ sở hơn, lấy kết quả công việc và sự hài lòng của người dân là thước đo, đánh giá.

Tỉnh ủy Quảng Ninh thì quy định, cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải đề ra những giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị. Trong kiểm điểm, tự phê bình, cấp trên và người đứng đầu phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cũng phải thực hiện tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp uỷ các cấp phải rất chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, nhất là xây dựng chương trình hành động, đề ra kế hoạch khắc phục hạn chế qua kiểm điểm hằng năm của tập thể, cá nhân.

Với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm tình hình và đúc kết thành những chuẩn mực dễ nhớ, dễ thực hiện. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nề nếp làm việc, thái độ, phong cách, lời nói trong phục vụ Nhân dân; kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh...

Những hiệu quả rõ nét khi thực hiện

Có thể khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã mang lại hiệu quả rõ nét. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả, đồng bộ và có lộ trình các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm và kiểm tra theo Nghị quyết, kế hoạch thực hiện của tập thể gắn với các nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước của các ngành, địa phương, đơn vị; giải quyết ngay các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc khắc phục những hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm, nhất là những hạn chế yếu kém liên quan đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực.

leftcenterrightdel
 Công an tỉnh Phú Thọ phấn đấu xây dựng hình ảnh đẹp về người công an nhân dân.

Đến nay, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 90%. 5  năm qua, đã xuất hiện hàng nghìn mô hình tốt, cách làm hay và những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Đặc biệt, Đảng bộ huyện Tam Nông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và được vinh danh tại Lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Còn ở Tây Ninh, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đi vào thực chất hơn, khắc phục từng bước tình trạng hình thức, chạy theo thành tích. Tỉnh quy định, trong thành tích cũng như khuyết điểm của tập thể đều phải có cá nhân chịu trách nhiệm, do đó, trong kiểm điểm, mỗi cá nhân đều nhìn nhận được rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Vài năm trở lại đây, trong tỉnh đã giảm mạnh tình trạng lãnh đạo quản lý xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tổ chức cơ sở đảng xếp loại trong sạch vững mạnh.

Cũng qua kiểm tra, giám sát và kiểm điểm, đánh giá cán bộ hằng năm, nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đoàn kết nội bộ hoặc những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân như: quản lý tài nguyên và môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, khiếu kiện vượt cấp đông người… đã được các cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo tập trung giải quyết.

Tỉnh còn khuyến khích nhân tố mới phát triển, trong 5 năm 2015-2020, thông qua phong trào thi đua yêu nước, có hơn 15.000 lượt cán bộ, đảng viên được tôn vinh. Riêng trong thực hiện Chỉ thị 05, qua sơ kết 4 năm thực hiện, gần 2000 cán bộ, đảng viên được biểu dương, khen thưởng, trong đó cấp tỉnh biểu dương 120 điển hình tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ tặng 3 Bằng khen.

Đối với Lâm Đồng, 4 năm qua, các cấp ủy thường xuyên soi rọi, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cấp ủy, cơ quan, đơn vị để phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý kịp thời theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Bằng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân nâng lên, mạnh dạn nhận khuyết điểm và sửa khuyết điểm.

Cán bộ, đảng viên ngày càng phát huy tính tiền phong, gương mẫu, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả. Hầu như không còn cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở vi phạm uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc; tình trạng liên hoan, ăn uống lãng phí khi hội họp, tổng kết... giảm đáng kể. Kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh, cơ bản khắc phục tình trạng sử dụng sai chế độ, tài sản, tài chính, xe công... Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết được chỉ đạo và thực hiện tốt, nhiều trường hợp vi phạm đã được xử lý một cách nghiêm túc. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện đều chịu kỷ luật nghiêm minh (năm 2017 kỷ luật 139 đảng viên; năm 2018 có 188, năm 2019 khai trừ khỏi đảng 1 đảng viên…).

Những kinh nghiệm rút ra từ việc lồng ghép

Tuy vậy, qua sơ kết, việc thực hiện Nghị quyết TW 4 và Chỉ thị 05 của các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Một số nguyên nhân có thể kể đến là phương thức thực hiện, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở nhiều nơi còn hình thức, nội dung chưa cụ thể, phương pháp chưa phù hợp. Việc đưa nội dung chuyên đề vào sinh hoạt chi bộ còn lúng túng, vì có nhiều vấn đề lý luận, khó có thể triển khai trong khoảng thời gian ngắn.

leftcenterrightdel
Tỉnh Lâm Đồng sẽ thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân để có định hướng kịp thời. Ảnh minh họa: baolamdong.vn

Tinh thần trách nhiệm, năng lực và tính chủ động của một số cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa cao; nội dung học và làm theo Bác chưa cụ thể, phương pháp thiếu phong phú; chưa nghiêm túc “tự soi”, “tự sửa”, đối chiếu với những biểu hiện cụ thể. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số ít cấp ủy đảng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Vĩnh Phúc cho rằng, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05, cần làm rõ tầm quan trọng của việc quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, từ đó thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, bổ sung và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm tình hình và đúc kết thành những chuẩn mực dễ nhớ, dễ thực hiện.

Thời gian tới tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình; thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân để chỉ đạo kịp thời; thực hiện nghiêm túc Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; rà soát, kiên quyết xử lý, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi chức những trường hợp có biểu hiện suy thoái; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ; thường xuyên tiến hành kiểm tra gắn nội dung kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm.

Ngoài ra, tỉnh cũng duy trì, tổ chức tốt Giải thưởng Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình mới.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05, đồng chí Nguyễn Minh Triều, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết thời gian tới, Đảng bộ tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, cam kết trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; khi đảng viên xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm phải cụ thể, rõ ràng. Thực hiện nghiêm túc việc nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm để làm cơ sở cho việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường, chấn chỉnh công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính; thông qua tai mắt cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, đối với mỗi cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, nhiệm kỳ tới sẽ xác định, lựa chọn khâu đột phá trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và Chỉ thị số 05-CT/TW sát hợp với đặc điểm tình hình và có tính khả thi cao. Cụ thể hoá bằng văn bản và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu năng lực, kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cấp ủy các cấp, cơ quan, địa phương, đơn vị. Ông hy vọng, với cách làm như vậy sẽ xây dựng được hình ảnh người cán bộ mẫu mực, đủ đức và tài để dẫn dắt và lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển quê hương./.

T. Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực