Bài 3: Những “bông hoa ngàn việc tốt”

Thứ năm, 24/10/2019 14:38
(ĐCSVN) – Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ kính yêu đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác vẫn luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô Hà Nội mãi mãi khắc ghi, học tập, noi theo bằng những hành động thiết thực, cụ thể, góp phần nhân lên những "bông hoa ngàn việc tốt".

Lan tỏa nhanh, chuyển biến mạnh từ những giá trị tốt đẹp

Bài 2: Những mô hình - nhiều dấu ấn sáng tạo


 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05. (Ảnh: TH)

Gắn làm theo Bác với nhiệm vụ chuyên môn

Thông qua việc học tập và làm theo gương Bác, Hà Nội tự hào vì mỗi năm toàn thành phố có hơn 10.000 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, được khen thưởng ở các cấp, ngành; có hàng nghìn tấm gương với cách làm hay, mô hình tốt tiêu biểu cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác có tính thuyết phục, chân thực, thật sự là những “bông hoa đẹp” trong "vườn hoa" ngàn việc tốt.

Những tấm gương đó xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân; giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hoá, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, sáng kiến trong sản xuất - kinh doanh; công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo; những việc làm tốt trong các phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng nông thôn mới...

Là người vinh dự được báo cáo thành tích tại Hội nghị “Hà Nội 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị diễn ra mới đây, Thiếu tá Lương Thái Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội coi đó là một niềm vinh dự, tự hào lớn. Để đạt được thành tích này, trong nhiều năm qua, anh đã luôn chủ động nắm chắc đặc điểm, đặc thù, nhiệm vụ của đơn vị, thường xuyên học hỏi, tìm tòi sáng tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như tác phong, bản lĩnh của người cán bộ.

Tâm sự với chúng tôi, anh Dũng cho biết: "Tôi xác định rõ việc học tập và làm theo Bác để đơn vị luôn đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 3 năm qua, trải qua các cương vị khác nhau như: Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn TS20; Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 và hiện tại là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn Kiểm soát Quân sự 103, tôi luôn chủ động nắm chắc đặc điểm, đặc thù nhiệm vụ của đơn vị…". Từ việc nắm chắc, hiểu rõ đó, anh đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời nắm chắc tình hình tư tưởng bộ đội, tiến hành hiệu quả các hoạt động đơn vị và được thể hiện qua kết quả thực hiện nhiều phong trào mô hình tiêu biểu như “Thực hiện theo chức trách, nêu gương trong hành động”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”…

Bên cạnh đó, Thiếu tá Lương Thái Dũng đã cùng đơn vị xây dựng và duy trì hiệu quả một số mô hình hoạt động như: Mô hình “Mỗi ngày một câu chuyện về Bác” và thực hiện “Lời Bác dạy ngày này năm xưa”, đọc trên hệ thống truyền thanh nội bộ của Tiểu đoàn, ghi lên bảng tin của đơn vị; ghi âm, ghi hình để gửi đến tại các trạm chốt nhỏ lẻ, xa đơn vị; hay mô hình “Tủ sách Bác Hồ” được nhiều cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị hưởng ứng sưu tầm tư liệu, đóng góp xây dựng tủ sách, cho đến nay, Tủ sách của Tiểu đoàn đã có trên 300 đầu sách về Bác…

Đó còn là bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Trong vai trò, nhiệm vụ của mình, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Đảng ủy xã, bà đã cùng các thành viên của Ủy ban MTTQ xã Yên Trung và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động từng người dân, hộ dân xây dựng ý thức và trách nhiệm cụ thể trong giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện các tiêu chí theo nếp sống văn hóa mới; duy trì, củng cố và phát triển những sinh hoạt văn hóa bản sắc của địa phương... Đến nay, cả 7 thôn của xã Trung Yên, mỗi thôn có 1 bộ cồng chiêng phục vụ các hoạt động cộng đồng trong thôn, xã, cũng như các sự kiện quan trọng của huyện. Đặc biệt, nhân dân xã đã tích cực thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ…

Hay như đồng chí Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng PC 08 đã không màng hiểm nguy, bám tường treo lơ lửng người trên không, giữa mịt mù khói lửa để tiếp cận và phá “chồng cọp” cứu 5 người thoát nạn, đã thể hiện tinh thần quả cảm, nghĩa hiệp, nhân văn, dám xả thân để bảo vệ tính mạng của nhân dân, khắc họa rõ nét hình ảnh người Chiến sĩ Công an Thủ đô.

Không cần gió vẫn ngát hương...

Song hành cùng với các cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao thì còn rất nhiều những nhân tố “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Mặc dù không được phân công, không được trả thù lao nhưng vì sự thôi thúc của con tim, khối óc, họ đã đứng ra làm những việc mà tự họ cảm thấy ấm lòng, cảm thấy hạnh phúc vì được cho đi mà không cần nhận lại. Những việc làm của họ "không cần gió vẫn ngát hương". Đó là hương của tình người, tình đời.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Đồng Rằng, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai nhiều năm qua đã đứng ra vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Tâm sự với chúng tôi, ông Hiện chia sẻ, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng. Muốn vận động được họ thì trước hết mình phải hiểu đồng thời gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Đúng thế, không chỉ dừng lại ở suy nghĩ, bằng những kiến thức, kinh nghiệm và sự nỗ lực của bản thân, ông đã đứng ra vận động được 32 hộ hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; vận động quyên góp ủng hộ các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động xã hội tình nguyện khác được hàng trăm ngày công và hơn 50 triệu đồng; hòa giải thành công hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng..., từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã hội.

Ngày tháng qua đi, hơn 200 ngôi mộ của các liệt sĩ vẫn được ông Nguyễn Khánh Toàn
chăm sóc cẩn thận, chu đáo. (Ảnh:TH)


Đó còn là ông Nguyễn Khánh Toàn, quản trang nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Xuyên. Tuổi đã cao, sức đã giảm, vết thương chiến tranh trong đầu thỉnh thoảng vẫn hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng hơn 30 năm qua, dù nắng hay mưa, người đàn ông ở cái tuổi xưa nay hiếm (83 tuổi) với thương tật tới 67% vẫn đều đặn có mặt ở Nghĩa trang liệt sĩ của huyện để trông nom, quét dọn, hương khói cho các phần mộ liệt sĩ.

Ông kể: Nhận thấy quanh khuôn viên nghĩa trang chẳng có nhiều cây cối, thương đồng đội phải chịu nắng mưa, ông đã tự mua và trồng lên những hàng cây xanh tỏa bóng mát cho toàn bộ nghĩa trang. “Thời gian đầu đảm nhận công việc này, tôi cùng con trai trồng một số cây để phá lớp đất cứng trên bề mặt rồi trồng hoa, rẫy cỏ. Hằng ngày, chăm sóc cây xanh, dọn dẹp vệ sinh để “nhà” của anh em luôn sạch sẽ, gọn gàng. Công việc quanh đi quẩn lại chỉ có vậy nhưng điều đó làm tôi vui, hạnh phúc, là sự tri ân của mình với những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc” – ông bộc bạch.

Và từ sự chân tình đó, ngày tháng qua đi, hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ ở đây đều được ông chăm sóc cẩn thận. Người ta thấy ông còn nhổ cả cụm sả to, nấu nước thơm lau rửa từng phần mộ. Vào các ngày đầu tuần, mùng Một, ngày rằm và các dịp lễ, Tết, ông đi khắp nghĩa trang thắp từng nén nhang. Chưa bao giờ ông để đồng đội của mình phải lạnh lẽo. Ông còn tạo cho mỗi ngôi mộ một bồn hoa xinh xắn. Đến mùa hoa nở, các ngôi mộ rực rỡ màu sắc, lan tỏa hương thơm…Với những việc làm đầy tình người này, ông vinh dự là một trong 10 cá nhân được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khen thưởng tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cũng giống ông Hiện và ông Toàn, chọn những việc làm phù hợp để làm cho tốt, 20 năm qua, bà Phan Thị Bính, sinh năm 1956, tổ dân phố số 22, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã gắn bó và giúp đỡ cho rất nhiều cảnh đời cơ cực trong cuộc sống.

Bà đã đến từng tòa nhà trong khu dân cư, gặp từng tổ trưởng, nhờ họ viết lên bảng tin, kêu gọi cư dân quyên góp quần áo, chăn màn, sách vở trao tặng cho người nghèo, người dân vùng lũ. Ngoài kêu gọi mọi người cùng chung sức, bà vẫn tự bỏ tiền túi ra mua gạo và mì tôm để làm từ thiện. Hiểu được tấm lòng của bà, mọi người trong khu dân cư bắt đầu hỗ trợ mỗi khi bà có lời kêu gọi…. Với tấm lòng thơm thảo và tinh thần trách nhiệm, hiện đều đặn mỗi tuần, bà gửi đến tận tay bệnh nhân nghèo 150 suất cháo và 120 suất cơm.

Chưa hết, năm 2016, liên tiếp chứng kiến nhiều cảnh người nhà bệnh nhân vì quá túng thiếu nên không có tiền thuê xe đưa người thân từ viện về quê, bà lặn lội vào tận An Giang để học hỏi mô hình chiếc xe chuyển bệnh nhân miễn phí mà bà tình cờ biết được qua truyền hình. Kết quả, sau hai năm, giấc mơ của bà đã thành hiện thực khi chiếc xe vận chuyển bệnh nhân nghèo miễn phí, phục vụ 24/24h đi vào hoạt động. Đến nay, chiếc xe đã giúp vận chuyển miễn phí được hơn 200 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ các bệnh viện ở Hà Nội về các tỉnh khắp cả nước.

Bà Phan Thị Bính, tổ dân phố số 22, Bán đảo Linh Đàm,
phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Trần Kiều)


Trong bộn bề khó khăn, những bông hoa người tốt, việc tốt, những con người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích cộng đồng, chung tay làm cho xã hội tốt đẹp hơn không ngừng nảy nở, nhân lên. Những việc làm giản dị, gắn việc học tập, làm theo Bác với công việc hằng ngày đã giúp nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên nêu cao ý chí rèn luyện, trau dồi bản thân, tận tụy phục vụ nhân dân, trở thành những “bông hoa đẹp” của Thủ đô, góp phần tạo một bước chuyển biến rõ rệt để mỗi cá nhân, mỗi tập thể ngày một tốt hơn, đẹp lên trong đời sống thường ngày./.

(Còn nữa)

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực