Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tạo động lực mới góp phần phát triển kinh tế xã hội

Thứ tư, 13/01/2010 10:14

Hôm nay (13/1), tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị ( khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Nhân dịp này, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đã trả lời báo chí những nội dung liên quan đến công tác này.

 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết. Ảnh: Cao Nhật 

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở?

* Đồng chí Hà Thị Khiết: Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở” chính là để tiếp tục cụ thể hóa và phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân ta, đặc biệt là dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.

Sau khi có Chỉ thị 30-CT/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, Chính phủ đã ban hành các nghị định về ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước. Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 34/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Chính phủ ban hành Nghị định 87/2007 về quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Hơn 10 năm qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã đạt được những kết quả nổi bật, cơ bản sau đây: Hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ quan nhà nước và nhiều công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước; nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ trong các cấp ủy, các cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp được nâng lên rõ rệt. Dân chủ trực tiếp được phát huy, nhân dân đồng tình và tham gia thực hiện có hiệu quả. Ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong xã hội được nâng cao. Trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị thể hiện rõ nét hơn. Cán bộ, công chức bàn bạc, hiến kế, đề xuất, tham gia vào việc hoạch định cơ chế, chính sách. Người lao động tham gia giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhân dân trực tiếp xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa đã được phát triển sâu rộng. Thực hiện QCDC, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm…

Các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thông báo kết luận sau thanh tra để nhân dân giám sát. Nhân dân trực tiếp xây dựng các quy ước và đăng ký thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; tham gia hoà giải và hoà giải thành công đạt tỷ lệ cao. Nhân dân quan tâm kiện toàn các tổ tự quản, tham gia cảm hóa người lầm lỗi; đăng ký gia đình không có tệ nạn xã hội; an ninh nông thôn cơ bản được đảm bảo. Mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư tiếp tục được nâng lên.

Với phương châm “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương tiếp tục mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khuyến khích, động viên nhân dân góp ý, tham gia xây dựng Đảng. Nhiều văn bản, quy chế, quy định cụ thể về thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đã được ban hành.

Những năm qua, việc công khai hoạt động các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ban hành quy chế, quy định triển khai thực hiện dân chủ, công khai trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, lịch tiếp dân, bố trí cán bộ lãnh đạo tiếp dân, quan tâm chỉ đạo và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Sau khi Pháp lệnh 34/2007 được thi hành, (pháp lệnh đã quy định rõ việc gì phải bàn với dân, việc gì do dân quyết định, việc gì phải công khai dân chủ với dân…), chất lượng, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và thực hiện quy ước, hương ước ở thôn, bản, tổ dân phố tiếp tục được nâng lên, đi vào chiều sâu và thực hiện có nền nếp. Quyền làm chủ và nhất là dân chủ trực tiếp được phát huy tốt hơn. Nhiều nơi đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù thu hồi đất. Nhiều nơi đã công khai sử dụng ngân sách, các công trình xây dựng cơ bản, các dự án kinh tế; việc sử dụng kinh phí, công sức đóng góp của nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ, nhân dân được trực tiếp bàn bạc, tháo gỡ nhiều khó khăn trong sản xuất, phát triển kinh tế xã hội; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; góp công, góp tiền, hiến đất, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã đã có tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành của chính quyền; nâng cao trách nhiệm công tác, ý thức phục vụ nhân dân và góp phần làm trong sạch, vững mạnh các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

* Phóng viên: Thưa đồng chí, được biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đề xuất về đề án Pháp lệnh thực hiện dân chủ trong hoạt động doanh nghiệp, vậy pháp lệnh này sẽ điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp nào và có tác động gì tới việc thực hiện công khai, dân chủ trong hoạt động doanh nghiệp?

* Đồng chí Hà Thị Khiết: Nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện nay, cả nước có hàng trăm ngàn doanh nghiệp với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, thu hút hàng triệu lao động. Các nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện QCDC đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đã được ban hành, còn loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở dịch vụ tư nhân như: Trường tư thục, bệnh viện tư chưa được quy định cụ thể. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh về xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp nhằm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp với tất cả người lao động trong hoạt động các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...Nếu pháp lệnh này được ban hành sẽ có tác động lớn đến lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Đó sẽ là cơ sở pháp lý điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp là tư nhân, là người nước ngoài.

* Phóng viên: Giải pháp quan trọng tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở là gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Hà Thị Khiết : Một là tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt các quan điểm, giải pháp về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), Pháp lệnh số 34/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ. Các hình thức tuyên truyền cần được đa dạng hóa, kết hợp tốt với các hình thức văn hóa, nghệ thuật, các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, năng lực quản lý và hiệu quả điều hành của chính quyền; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, phong cách phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Việc thực hiện QCDC ở cơ sở kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các văn bản, các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Ba là, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản về thực hiện QCDC ở các loại hình, các lĩnh vực mới chưa có quy chế, quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định không còn phù hợp.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tăng cường vai trò giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở, tham gia trực tiếp vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo về thực hiện QCDC ở cơ sở của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Nơi nào chưa có ban chỉ đạo, cần kịp thời thành lập, kiện toàn, bổ sung đầy đủ các thành viên; có quy chế, chương trình hoạt động cụ thể. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, các ngành về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính được xây dựng chặt chẽ. Các cấp, các địa phương quan tâm tổng kết, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình trong thực hiện QCDC ở cơ sở.

Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là một chủ trương lớn, đúng đắn, là bước tiến mới về mở rộng, phát triển dân chủ XHCN của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện. Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn QCDC trong tất cả các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội để tạo động lực mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực