Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trả lời phỏng vấn báo giới. (Ảnh:TA)
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Văn Pha khi trao đổi với các cơ quan báo chí bên lề hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương sáng 24/2, tại Hà Nội.
Phóng viên (PV): Thưa ông, hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương quy định chỉ giới thiệu 1 người?
Ông Nguyễn Văn Pha: Việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử theo 3 bước: Đó là ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH. Sau đó sẽ tổ chức hội nghị cử tri người dự kiến giới thiệu đang công tác làm việc. Nơi nào dưới 100 cử tri sẽ tổ chức hội nghị toàn thể nhưng mà bắt buộc phải có 2/3 số cử tri tham dự. Nơi nào có trên 100 cử tri có thể mời đại diện cử tri nhưng phải đảm bảo có 70 cử tri tham dự. Hội nghị cử tri đó để nhận xét tín nhiệm với những người được lãnh đạo dự kiến giới thiệu ứng cử.
Luật không quy định giới thiệu 1 người. Các cơ quan, đơn vị có thể giới thiệu 2 đến 3 người. Nhưng khi những người đủ điều kiện quá bán thì sẽ có hai hình thức trong hội nghị cử tri là biểu quyết bằng giơ tay hoặc bằng bỏ phiếu kín để cuối cùng chọn được người mà cử tri tín nhiệm để ứng cử.
Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị mở rộng đến công đoàn các tổ chức trực thuộc để thảo luận, nhất trí chốt lại giới thiệu người đại diện cơ quan tổ chức mình ứng cử ĐBQH. Danh sách gửi sang MTTQ là các cơ quan ở Trung ương chỉ giới thiệu 1 người.
PV: Theo dự kiến, so với Quốc hội khóa XIII thì ĐBQH ở Trung ương khóa XIV tăng thêm 15 người từ 183 lên 198. Ông có bình luận gì về con số này?
Ông Nguyễn Văn Pha: Dù chỉ được tăng 15 người cũng là cố gắng rất lớn, nằm trong lộ trình để nâng dần số đại biểu chuyên trách trong Quốc hội lên. Tổng số ĐBQH là 500 người, bây giờ tăng thêm 15 người trong khối lập pháp đồng nghĩa rút ĐBQH khác, vậy rút ở khối nào, đó là cả vấn đề.
Có nhiều ý kiến nói đề nghị tập trung rút 1 khối hành pháp. Lần này Thường vụ Quốc hội dự kiến khối Chính phủ 18 đại biểu, trong đó có đại biểu của 3 cơ quan báo chí. Ngoài thường trực Chính phủ còn gần 30 bộ, ngành cũng chỉ có khoảng 10 đại biểu đứng đầu các bộ, ngành tham gia ĐBQH, con số đó theo tôi cũng không nhiều.
Trong tình hình hiện nay, Quốc hội chưa phải là chuyên trách 100%, tôi thấy rất cần có đại biểu khối hành pháp trong Quốc hội, giúp Quốc hội có chất lượng hơn trong khâu lập pháp cũng như trong vấn đề trọng đại của đất nước. Nếu có giảm tiếp khối hành pháp nên nhắm vào giảm ở khu vực địa phương, cái này cũng đã có dự kiến rồi, theo đó chủ tịch UBND, giám đốc các sở ban, ngành sẽ hạn chế tối đa việc tham gia ĐBQH để dành việc điều hành ở địa phương.
PV: Có ý kiến cần tăng đại biểu khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây, có ĐBQH thuộc cơ cấu là doanh nhân vi phạm pháp luật và bị bãi miễn, gây mất lòng tin của cử tri, làm thế nào để đảm bảo cơ cấu và giữ vững được chất lượng ĐBQH?
Ông Nguyễn Văn Pha: Dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về doanh nhân rất chặt chẽ, theo đó chỉ có 7 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp và hiệp hội. Ngay cả hiệp thương của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tỉnh, thành phố đều mong muốn nên tăng đại biểu doanh nhân các thành phần kinh tế tham gia ĐBQH.
Tôi cho rằng cái đó cũng rất đáng trân trọng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng thế giới, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Bây giờ khống chế dự kiến như vậy có thể nói rất khó khăn, tuy nhiên tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tôi cho rằng cũng rất đáng suy nghĩ, nên chăng ta nên động viên các doanh nhân, kể cả người ngoài Đảng tự ứng cử. Nếu những người đó thực sự đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND thì Mặt trận có thể tạo điều kiện cho họ để vào danh sách để bầu. Nếu thực sự xuất sắc thì khả năng trúng cử của họ rất cao. Nếu các doanh nhân tự ứng cử và trúng cử thì rõ ràng sẽ tăng thêm doanh nhân ở trong Quốc hội.
Tuy nhiên, khóa XIII của Quốc hội để lại dấu ấn buồn, có 2 ĐBQH bị Quốc hội bãi nhiệm và đều là doanh nhân, tạo tâm lý không những cử tri, nhân dân mà cả các cấp lãnh đạo cũng cảm thấy e ngại nếu ta không làm tốt khâu lựa chọn người ứng cử là doanh nhân. Thậm chí lúc quá trình chuẩn bị hướng dẫn bầu cử, cấp tham mưu có ý kiến nên chăng, dựng nên rào cản kỹ thuật để sàng lọc doanh nhân, người tự ứng cử để đảm bảo chất lượng.
Sau khi nghiên cứu kỹ thì, Hiến pháp cũng như các luật đều quy định mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì có thể ứng cử ĐBQH, nên không được phép dựng rào cản để tính riêng, để sàng lọc người tự ứng cử hay doanh nhân. Nhưng cũng buộc các cơ quan liên quan, đặc biệt là Uỷ ban MTTQ các cấp xem xét hết sức kỹ lưỡng, đầy đủ, chặt chẽ cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử để đảm bảo làm sao danh sách chính thức phải đảm bảo tiêu chuẩn một cách tối đa, để cử tri lựa chọn ai trúng cử cũng đều xứng đáng cả.
PV: Vậy chúng ta sẽ làm như thế nào để khuyến khích những người có tâm, có tài ra ứng cử ĐBQH?
Ông Nguyễn Văn Pha: Vấn đề này không nằm trong hướng dẫn. Vấn đề này dành cho những cơ quan, tổ chức đơn vị giới thiệu ứng cử. Người tự ứng cử nếu mà có đủ điều kiện ứng cử sẽ nộp hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử cấp tỉnh mà thường trực là Sở Nội vụ.
Nếu Ủy ban bầu cử cấp tỉnh thấy đủ điều kiện để ứng cử sẽ chuyển hồ sơ đó sang Ủy ban MTTQ cấp tỉnh. Và, Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh nếu thấy có đủ điều kiện sẽ đưa vào danh sách để hiệp thương.
PV: Thưa ông, trong hồ sơ ứng cử phải có bản kê khai tài sản, vậy có việc giám sát kê khai trung thực ngay từ ban đầu?
Ông Nguyễn Văn Pha: Bất cứ ai khi đã kê khai những vấn đề liên quan đến mình như tài sản phải chịu trách nhiệm chính về bản kê khai đó. Không phải kê khai xong rồi là xong, mà bản kê khai sẽ theo người đó đến hết nhiệm kỳ, nên họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung bản kê khai đó.
Thế nhưng nếu có những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri về người đó thì đương nhiên Mặt trận sẽ yêu cầu xác minh. Còn quy trình xác minh thì trong quy định của pháp luật đã có rồi.
PV: Vậy liệu có lọt việc kê khai không trung thực, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Vấn đề là chúng ta phải tin người ứng cử. Nếu anh kê khai không trung thực, nếu vào được Quốc hội cũng sẽ rất mệt mỏi.
PV: Sẽ có việc vận động bầu cử. Làm thế nào để bảo đảm công bằng giữa các ứng viên thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Theo tôi việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật. Việc vận động bầu cử ở Việt Nam chúng ta khác với những nước khác là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức. Trong một hội nghị tiếp xúc cử tri có 5 ứng cử viên thì thời lượng nói là phải ngang nhau và các ứng cử viên không được hứa những thứ không đúng, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri…
PV: Hiện nay, mạng xã hội đang rất phát triển, các ứng cử viên có thể sử dụng vào việc vận động tranh cử, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Pha: Hiện nay thì không có quy định nào về việc vận động qua mạng. Các hình thức vận động là qua hội nghị tiếp xúc cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống./.