Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)
Sáng 9/3, UBTVQH bế mạc phiên họp thứ 46 với nội dung cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, UBTVQH; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp cận thông tin.
Đại biểu là ắc quy, nhân dân "nạp điện"
Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Quốc hội khóa XIII hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước có những thuận lợi, thời cơ đan xen với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Trong điều kiện đó, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn cả trong lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, có nhiều quyết sách, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đồng thời tạo nền tảng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong những năm tới, tạo niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước.
Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đầy đủ đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với tinh thần khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tập trung xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 100 luật, bộ luật, bao gồm các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của Nhân dân...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đại biểu Quốc hội khoá này tự hào được làm đại biểu, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, ý chí của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội. Hiện nay sắp bầu cử Quốc hội khoá mới, rất nhiều đại biểu muốn tái cử, nhiều người hăng hái ứng cử đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nhấn mạnh bài học về nhân dân, nhiệm kỳ vừa qua, từ Chủ tịch Quốc hội đến các đại biểu được nhân dân đồng tình, ủng hộ để đóng góp ý kiến và dân giám sát, nhờ đó Quốc hội hoạt động mới tốt... Chủ tịch Quốc hội cũng ví, đại biểu là ắc quy và chỉ khi dân “nạp điện” thì ắc quy mới có thể chạy được.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cần gửi lời cảm ơn chân thành đến nhân dân, cử tri cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong báo cáo đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13 vấn đề biển Đông cần được đề cập đến. “Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào, Quốc hội đã hết sức bình tĩnh, sáng suốt thể hiện thái độ, góp phần ổn định tình hình, do đó báo cáo cần bổ sung đánh giá vấn đề này” – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đánh giá dự thảo báo cáo được chuẩn bị công phu, có đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đóng góp ý kiến vào phần mở đầu báo cáo, ông đề nghị cần làm rõ hơn bối cảnh đất nước: đứng trước những những thách thức đòi hỏi chúng ta phải vượt qua; Quốc hội sau quá trình hình thành và phát triển đã để lại những bài học kinh nghiệp quí báu. Về nội dung báo cáo liên quan đến công tác lập hiến, lập pháp, ông cho rằng nên phân tích, chứng minh và có điểm nhấn. Ông ví dụ, “điểm nhấn là Quốc hội đã tập trung công sức trí tuệ ban hành Hiến pháp 2013 và các văn bản nhằm cụ thể hóa Hiến pháp”.
Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, bổ sung đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã quyết định nhiều chính sách quan trọng cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Cần quy định rõ điều kiện khiếu nại, tố cáo
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tiếp cận thông tin. Hai vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Chính phủ và cơ quan thẩm tra là việc mở rộng phạm vi thông tin cung cấp theo hướng phải cung cấp thông tin do cơ quan, tổ chức, đơn vị tạo ra, nắm giữ và về khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện.
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và nắm giữ; cơ quan, tổ chức ở Trung ương chỉ cung cấp thông tin do mình tạo ra.
Về khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, Điều 14 của dự thảo Luật theo hướng người yêu cầu cung cấp thông tin có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đối với hành vi vi phạm của cơ quan, người có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tố tụng.
Tuy vậy, trong báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của UBTVQH của Chính phủ nêu rõ: trước mắt chỉ nên quy định cơ quan nhà nước chỉ cung cấp thông tin do mình tạo ra, các cơ quan khác trong quá trình hoạt động nhận được thông tin từ các cơ quan khác thì phải có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu tới cơ quan đã tạo ra và nắm giữ thông tin để được cung cấp... Khi chỉ định soạn thảo quy định này, Chính phủ đã giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ và có đánh giá cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi của điều luật. Theo báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật, trụ sở của hầu hết UBND cấp xã vừa qua đã được xây dựng, nâng cấp, cải tạo khá khang trang, có nơi tiếp công dân, cơ chế một cửa có thể đáp ứng được yêu cầu nêu trên của điều luật.
Mặt khác, quy định bổ sung về trách nhiệm cung cấp thông tin của UBND cấp xã cũng là thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật phòng chống tham nhũng và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng, dự thảo luật mở rộng phạm vi thông tin cung cấp là quá rộng, không khả thi. Do đó, Chính phủ đề nghị,UBTVQH cho giữ quy định như dự thảo luật Chính phủ đã trình theo hướng trừ UBND cấp xã, các chủ thể khác chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra.
Về khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, quy định như dự luật đơn giản, có thể phát sinh quá nhiều khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước. Bộ trưởng đề nghị, UBTVQH bổ sung thêm các điều kiện như: Người yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối cung cấp thông tin mà lý do từ chối không phù hợp; không cung cấp bổ sung hoặc cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác nhưng không đính chính theo đề nghị của người yêu cầu cung cấp thông tin; phải trả chi phí tiếp cận thông tin trái với quy định của pháp luật.../.