Công đoàn và giai cấp công nhân đã đóng góp to lớn vào công cuộc phòng, chống dịch

Thứ năm, 15/07/2021 19:53
(ĐCSVN) - Tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân đã đóng góp to lớn công sức, tài chính vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh; có nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mang đậm dấu ấn của Công đoàn để mỗi đoàn viên cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đại dịch.

Đó là ghi nhận của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ chín (khóa XII) được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào chiều 15/7.

Ghi nhận những kết quả mà giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn các cấp có được trong 6 tháng đầu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tới vai trò của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khi phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam để nghiên cứu, tham mưu cho tiểu ban nội dung, xây dựng, đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa Điều 10 Hiến pháp năm 2013 với 2 nội dung mới, có giá trị thực tiễn cao; đồng thời, tổ chức Công đoàn, công đoàn viên và người lao động đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các tổ bầu cử thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ chín (khóa XII)

Tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân đã đóng góp to lớn công sức, tài chính vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động đoàn viên chấp hành các biện pháp phòng dịch tại cơ sở; vận động mỗi người cùng chung tay ủng hộ nguồn lực tài chính để công nhân và nhân dân sớm được tiếp cận nguồn vaccine phòng dịch; có nhiều cách làm sáng tạo, thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, mang đậm dấu ấn của Công đoàn để mỗi đoàn viên cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đại dịch.

Đánh giá cao sự chủ động của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm tổ chức Hội nghị Ban chấp hành, lựa chọn đúng, trúng các vấn đề, trong 6 tháng cuối năm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, các cấp Công đoàn cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, mấu chốt nhất là có lộ trình cụ thể; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực giúp đỡ công nhân, người lao động mất hoặc thiếu việc làm để đảm bảo cuộc sống, không để ai bị thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Đánh giá cao ngay trong chương trình Hội nghị Ban Chấp hành lần này có nội dung phổ biến nhanh Kết luận số 11 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ ba về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch xây dựng chương trình hành động và có kế hoạch cụ thể để thực hiện thắng lợi kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ tiêu cụ thể mà kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ quyết định, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Liên quan đến nội dung kiểm điểm giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đánh giá, rà soát thận trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để hỗ trợ phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh cho đoàn viên và người lao động.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ chín (khóa XII) 

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập nhiều vấn đề mới, quan trọng đối với xây dựng, phát triển giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành chương trình hành động là nhiệm vụ cấp bách, vừa thể hiện tính tiên phong của tổ chức Công đoàn - tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân - đội tiên phong của Đảng, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với Đảng, với giai cấp công nhân, với đoàn viên, người lao động. Thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh.

Nghị quyết số 02 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được  Bộ Chính trị ban hành ngày 12/6/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chỉ đạo, định hướng đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung của Nghị quyết 02 là sự cụ thể hóa một phần các mục tiêu, nội dung trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sau khi xem xét, nghiên cứu, thảo luận, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận thấy việc tích hợp xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị là cần thiết nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo và triển khai thực hiện. Bộ phận soạn thảo Chương trình hành động đã nghiên cứu chắt lọc, cụ thể hóa tối đa các nội dung vấn đề về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cùng với một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thành các nhóm chỉ tiêu theo từng giai đoạn với các chỉ tiêu đến năm 2023, 2025, 2030 và 2045 và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, trong kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vừa qua, trong số các đại biểu trúng cử ĐBQH khóa XV, có 12 đại biểu là cán bộ Công đoàn. Dù đợt dịch lần thứ 4 đã làm hàng trăm ngàn lao động tạm ngừng việc, một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động nhưng cũng làm thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động nhằm thích nghi với các diễn biến của đại dịch.

Các cấp Công đoàn đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân; các đoàn công tác hỗ trợ, động viên, thăm hỏi, chia sẻ đối với công nhân, lao động thuộc các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và trong công tác phòng, chống dịch bệnh đã xuất hiện như: Mô hình “Tổ An toàn COVID-19”; tổ chống dịch tại khu nhà trọ công nhân và các xe ô tô chở công nhân; “Siêu thị 0 đồng”...

 Diễn ra đến hết ngày 16/7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ chín (khóa XII)  có nhiệm vụ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng, gồm: Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; Chương trình hành động của Tổng LĐ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Tờ trình về miễn đóng đoàn phí công đoàn cho đoàn viên gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề quan trọng khác./.

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực