Ngày 1/10, tại Vĩnh Yên, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức họp báo tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì họp báo. Đồng chủ trì là các đồng chí: Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Hoàng Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Ngoài ra, họp báo còn có sự tham dự của đại diện của các sở, ngành trong tỉnh cùng đông đảo báo chí Trung ương và tỉnh.
Đã sẵn sàng mọi điều kiện cho Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025
Báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội, đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đại hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 - 15/10/2020, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc. Phiên trù bị bắt đầu từ 13h00 (thứ Ba) ngày 13/10/2020. Phiên chính thức: Khai mạc hồi 8h00 (thứ Tư) ngày 14/10/2020; bế mạc (thứ Năm) ngày 15/10/2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 348 đại biểu đại diện cho gần 07 vạn đảng viên trong Đảng bộ tỉnh về dự đại hội, trong đó: đại biểu đương nhiên là 45 đồng chí, đại biểu chính thức được bầu từ đại hội đảng bộ các huyện, thành phố, đảng bộ trực thuộc là 303 đồng chí.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện 4 nội dung: (1). Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. (2). Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (3). Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. (4). Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Nhấn mạnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra nhiều dấu ấn nổi bật. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt và vượt cao so với chỉ tiêu đề ra. “Thành tựu Vĩnh Phúc đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là động lực quan trọng để tỉnh quyết tâm nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng, hun đúc ý chí, khát vọng phồn vinh của cả Đảng bộ, Nhân dân; tạo dựng và phát huy những động lực mới, hiện thực hóa thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự nhiều lần được đón Người về thăm và động viên, căn dặn, cùng với cả nước vững bước trên con đường đổi mới – đồng chí Thành nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Thành, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã. Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tinh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, chất lượng cuộc sống của nhân dân tốt, môi trường sống xanh, sạch, an toàn. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 130 - 135 triệu đồng. Cũng theo đó, tầm nhìn đến năm 2045: Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; là nền kinh tế có thu nhập cao, người dân có chất lượng cuộc sống cao, nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng số an toàn xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển một cách thống nhất và hài hòa.
|
đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo kết quả chuẩn bị Đại hội (Ảnh: HNV) |
Xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Đảng bộ cũng xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển, là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển một cách thống nhất và hài hòa.
3 khâu đột phá gồm có: Thứ nhất, tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng nguồn lực (thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, vốn, đất đai, nhân lực,...) đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực và giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm giải trình để kiểm soát. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường;
Thứ hai, đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong 5 năm tới. Trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc: Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh, phát triển bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xử lý tốt ô nhiễm môi trường; cải tạo nâng cấp cảnh quan; đảm bảo các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi sinh hoạt tập trung; phát huy vai trò tự quản của nhân dân; khôi phục, nâng cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương.
|
Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Họp báo (Ảnh: HNV) |
Thứ ba, đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Đề bạt, sử dụng người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Tập trung bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua môi trường thực tiễn. Phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, đam mê khát vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong khuôn khổ họp báo, đồng chí Hoàng Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện các Sở: Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh... đã giải đáp bổ sung thêm các thắc mắc của các cơ quan báo chí, truyền thông xung quanh Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Kết luận họp báo, đồng chí Lê Duy Thành nhấn mạnh lại quan điểm phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững, trong đó trọng tâm là phát triển con người và xây dựng một Vĩnh Phúc phồn vinh và thịnh vượng./.