Đề án phát triển chi bộ thôn, bản ở Yên Bái: Củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân

Thứ ba, 05/01/2010 10:24

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ tỉnh đến cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với các huyện, thị ủy trong thực hiện Đề án, đến ngày 20/5/2009, 100% thôn, bản (1.640/1.640) trong toàn tỉnh Yên Bái đã có chi bộ riêng, hoàn thành việc thực hiện Đề án trước 1 năm 7 tháng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra; trong 3 năm, các cơ sở Đảng trong tỉnh đã kết nạp 1.191 đảng viên.

Từ thực trạng đến thực hiện

 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại xã Suối Giàng (Văn Chấn). (Ảnh: Quang Thiều)

Trước khi có Đề án “Phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006 - 2009”, một số cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở ở Yên Bái chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này; chưa nên cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên; công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên mới một số nơi chưa tích cực, một số chi bộ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thành lập nhưng thiếu tính bền vững chưa cao; toàn tỉnh còn 628 thôn, bản của 100 xã chưa có chi bộ riêng, trong đó có 195 chi bộ ghép 2 thôn, bản; 56 chi bộ ghép 3 thôn, bản; 13 chi bộ ghép 4 thôn, bản; 4 chi bộ ghép 5 thôn, bản.

Trước thực trạng trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Phát triển chi bộ thôn, bản giai đoạn 2006 - 2009”. Sau khi có Đề án, các cấp ủy Đảng đã đã cụ thể hoá thành đề án, kế hoạch, chương trình, mục tiêu cụ thể của các huyện, thị ủy phù hợp với tình hình của Đảng bộ. Thực hiện Đề án, Đảng bộ cấp cơ sở đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phân công từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách thôn, bản chưa có chi bộ riêng; kiện toàn, duy trì chế độ sinh hoạt và nâng cao chất lượng hoạt động các đoàn thể.

Thông qua các phong trào của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp ủy Đảng địa phương đã lựa chọn được nhiều quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng. Trong quá trình thực hiện Đề án, các huyện, thị ủy đã ban hành 38 văn bản các loại, trong đó xây dựng 9 kế hoạch, 7 hướng dẫn, 3 nghị quyết chuyên đề và 19 văn bản khác; các Đảng ủy cơ sở xã đã ban hành 246 văn bản với 96 kế hoạch, 58 hướng dẫn, 48 nghị quyết chuyên đề, 44 văn bản các loại; các chi bộ liên thôn, bản đã xây dựng 216 kế hoạch, nghị quyết chuyên đề.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ tỉnh đến cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với các huyện, thị ủy trong thực hiện Đề án, đến ngày 20/5/2009, 100% thôn, bản (1.640/1.640) trong toàn tỉnh đã có chi bộ riêng, hoàn thành việc thực hiện Đề án trước 1 năm 7 tháng so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra; trong 3 năm, các cơ sở Đảng trong tỉnh đã kết nạp 1.191 đảng viên.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Kết quả của việc xây dựng và phát triển chi bộ thôn, bản đã góp phần tích cực vào việc tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đến tận thôn, bản, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, trưởng các đoàn thể trong thôn. Công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện tốt, khắc phục tình trạng cán bộ quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với công việc. Thực hiện Đề án góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân”.

Kinh nghiệm và nhiệm vụ thời gian tới

Qua triển khai, thực hiện Đề án, công tác xây dựng Đảng ở Yên Bái đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Theo đồng chí Phạm Văn Cường - Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trước hết phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức quán triệt đến Đảng bộ xã và từng thôn, bản chưa có chi bộ để cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân có nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chi bộ thôn, bản. Phát triển đảng viên, phát triển chi bộ thôn, bản phải coi trọng cả số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy các cấp cần có sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở. Coi trọng việc sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những nơi làm tốt, uốn nắn những nơi chưa làm tốt; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi đã chia tách và thành lập, các chi bộ thôn, bản bước đầu gặp nhiều khó khăn, tính bền vững chưa cao. Vì vậy, theo đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh ủy, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ thôn, bản bền vững; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 05 của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chú trọng đào tạo cán bộ, nhất là các bí thư chi bộ ở các cơ sở... Có như vậy, tổ chức Đảng các cấp mới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ thôn, bản.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực