Để chính quyền gần dân

Thứ sáu, 15/10/2021 11:46
(ĐCSVN) -Tiếp công dân là một trong những nội dung đã được quy định rất rõ trong luật. Nhưng báo cáo giám sát vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố mới đây làm cho không ít người “giật mình”. Đó là số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạt 42%, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người không tiếp dân ngày nào.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)

Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân quy định rất rõ là Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất 01 ngày trong 01 tháng. Cùng với đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng thực hiện việc tiếp công dân đột xuất khi có vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Luật quy định là vậy, nhưng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021 vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố mới đây khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Trong kỳ giám sát 18 tháng, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày thậm chí có người không tiếp dân ngày nào. Cụ thể, số ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc là 471 ngày, trung bình là 8 ngày, đạt 42% yêu cầu theo quy định (theo quy định 18 ngày/18 tháng). Nhiều địa phương Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tiếp dân thay.

Điều đáng nói là việc Chủ tịch UBND tỉnh không thực hiện trách nhiệm, hay ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân là một tồn tại được nhắc đến khá nhiều và khá lâu. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cho biết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định. Báo cáo cũng cho thấy, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Cũng có tỉnh tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch UBND tỉnh so với quy định là 0%. Như vậy, từ đó đến nay, tồn tại này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo Quy định tại khoản 1, Điều 2 của Luật Tiếp công dân thì Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp công dân không chỉ là trách nhiệm nhằm tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị. Mà việc tiếp công dân sẽ giúp người đứng đầu nắm bắt và hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà người dân đang bức xúc. Điều này cũng sẽ giúp công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân…Từ đó sẽ ngăn chặn đươc những “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội, phát huy quyền của nhân dân. Qua đó còn có ý nghĩa giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Điều này cũng có nghĩa là việc tiếp công dân không chỉ là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là việc làm góp phần khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng bức xúc, khiếu kiện của người dân.

Do đó, việc Chủ tịch UBND ở một số tỉnh chưa hoặc không thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, hoặc ủy quyền cho cấp phó cho thấy, kỷ luật, kỷ cương thực thi pháp luật về tiếp công dân của những người đứng đầu chưa nghiêm. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây bất ổn xã hội. Hơn nữa, điều này có thể dẫn tới quyền lợi chính đáng của người dân không được kịp thời bảo vệ dẫn đến những bức xúc rồi kéo lên Trung ương khiếu kiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do chế tài xử lý trách nhiệm đối với người vi phạm và công tác khen thưởng vẫn còn là khoảng trống. Do đó, cần kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân làm tốt, nhân rộng điển hình, nêu gương tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phải coi dây là căn cứ đánh giá cán bộ hằng năm, nhất là những nơi để xảy ra khiếu nại, tố cáo dai dẳng, đông người, vượt cấp, lên Thành phố, Trung ương, tạo thành điểm “nóng”...

Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo các cấp, các địa phương quan tâm đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đề đạt của nhân dân, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, công khai, dân chủ với nhân dân; chỉ đạo kịp thời giải quyết dứt điểm từ cơ sở thì nơi đó tình hình khiếu nại của dân lên các cơ quan cấp trên rất ít. Cấp nào, địa phương nào lãnh đạo không quan tâm đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, không gặp gỡ, đối thoại với dân, quan liêu, áp đặt, giao toàn quyền cho cấp dưới giải quyết, thì ở đấy tình hình khiếu nại của công dân rất phức tạp, công dân thường xuyên kéo lên Trung ương. Do vậy, việc nâng cao trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Đây cũng là hành động thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập được những thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chính sách, chủ trương, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Vậy, để hướng đến một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một xã hội công bằng, dân chủ văn minh, một nền kinh tế minh bạch, thì công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiệm vụ, vai trò chính trị cực kỳ quan trọng. Do đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần nhận thức rõ ràng, cụ thể hơn nữa trách nhiệm của mình, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đó cũng là cách để chính quyền đến gần với dân hơn…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực