|
Ảnh minh họa: Tổ truyền thông Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh |
Năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp TP Hồ Chí Minh đã giải quyết 2.200/3.869 đơn khởi kiện chuyển sang hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 56,86%, trong đó hòa giải thành được 1.082 trường hợp, đạt tỷ lệ 49,1%. Đây là sự nỗ lực của đội ngũ Hòa giải viên khi tồn tại nhiều khó khăn như không có đội ngũ thư ký giúp việc, các tranh chấp ngày càng phức tạp mà đương sự thường không lựa chọn việc hòa giải theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trang thiết bị còn hạn chế, đương sự không hợp tác...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, hòa giải, đối thoại tại Tòa án gắn với phát huy dân chủ cơ sở và cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Chấp hành nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy chế dân chủ ở cơ sở; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân. Chú trọng và tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án mà trọng tâm là từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống xét xử trực tuyến các loại án theo Nghị quyết Quốc hội.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và trong quá trình tố tụng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải quyết, xét xử các loại vụ, việc.
Mặt khác, tổ chức các Hội nghị tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng xét xử. Phát huy có hiệu quả hoạt động tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo đúng chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, bao gồm cả các phiên tòa trực tuyến vừa đảm bảo về chỉ tiêu, tiêu chí của Tòa án nhân dân tối cao. Khắc phục triệt để xu hướng chạy theo số lượng, tình trạng không có hoặc rất ít Thẩm phán, Thư ký dự theo dõi phiên tòa, biên bản rút kinh nghiệm sơ sài, thiếu thuyết phục,... Đảm bảo các phiên tòa rút kinh nghiệm được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, coi mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là buổi học kết hợp giữa thực tiễn với lý luận nhằm từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng, kỹ năng điều khiển phiên tòa của Thẩm phán; chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân; kỹ năng viết biên bản phiên tòa của Thư ký phiên tòa; kỹ năng viết bản án, quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa...
Bộ phận Văn phòng Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ban Lãnh đạo về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như các mặt công tác khác của đơn vị. Cụ thể như: chương trình một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai thực hiện trong Tòa án nhân dân hai cấp; chương trình số hóa dữ liệu hồ sơ, bản án, quyết định của Tòa án nhân dân Thành phố đang được tiếp tục triển khai thực hiện; dự án số hóa hồ sơ của Tòa án nhân dân Thành phố đã thực hiện xong Giai đoạn 2; việc sớm đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử mới sẽ tạo tiền đề cho việc thực hiện một số thủ tục tố tụng điện tử trong thời gian tới. Văn phòng đã tổ chức tập huấn cho Ban Lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân thành phố cùng lực lượng cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng “Chương trình Phần mềm khai thác dữ liệu số” của Tòa án nhân dân thành phố. Với việc vận hành chương trình này, công tác khai thác tài liệu như: Trích lục, trích sao bản án, quyết định; trích xuất tài liệu hồ sơ vụ án;…đều được thực hiện trực tuyến trên hệ thống. Việc khai thác tài liệu bảo đảm tính chính xác cao, tiết kiệm nhân lực, vật lực và thực hiện trong thời gian ngắn nhất.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động theo dõi án tạm đình chỉ, quản lý số liệu hòa giải đối thoại tại Tòa án, Tòa án nhân dân Thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm “theo dõi án tạm đình chỉ” và “quản lý số liệu hòa giải đối thoại tại Tòa án” phục vụ cho công tác quản lý tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh và bước đầu chuyển giao phần mềm “quản lý số liệu hòa giải đối thoại tại Tòa án” cho các Tòa án nhân dân quận, huyện có yêu cầu trên cơ sở điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị. Mặt khác, phần mềm “Trợ lý ảo Tòa án” là một giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của Tòa án như tra cứu văn bản pháp luật, hỗ trợ mã hóa bản án.... Tòa án nhân dân hai cấp TP Hồ Chí Minh đã quán triệt đến đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố những lợi ích của phần mềm.
Nhận thức rõ việc thực hiện quy chế dân chủ là nhiệm vụ quan trọng, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Tòa án nhân dân thành phố đã quan tâm chỉ đạo tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên, cụ thể: Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị, Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Ban chấp hành Trung ương, Thông tri số 09-TT/TU ngày 17/8/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các văn bản của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về công tác thực hiện dân chủ trong Tòa án nhân dân.
Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, văn bản của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao,… về thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Việc tổ chức kiểm tra, giám sát được các đơn vị xây dựng gắn với chương trình kế hoạch công tác năm, tổ chức thực hiện xây dựng các nội dung, đưa các mô hình có hiệu quả để tuyên truyền, học tập kinh nghiệm, nhân rộng, điển hình như mô hình “Công tác dân vận trong hòa giải, giải quyết án”, “công tác kiểm soát, giải quyết án tạm đình chỉ”…; công tác xây dựng đảng được lồng ghép với việc đôn đốc, giám sát thực hiện quy chế dân chủ, nhiệm vụ chính trị của các đơn vị./.