Giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân

Thứ sáu, 01/04/2016 16:36
(ĐCSVN) - Những ngày này, Đoàn giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam do các đồng chí Phó Chủ tịch dẫn đầu đã và đang triển khai tại các địa phương trên cả nước.


Đoàn Giám sát công tác bầu cử của MTTQ Việt Nam làm việc tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: NP)

Tại các đơn vị đã giám sát, kết quả cho thấy, đến nay, các công việc chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn các tỉnh đang được tiến hành khẩn trương, tích cực theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ về thời gian theo yêu cầu. Cả hệ thống chính trị quyết tâm để bầu cử trở thành ngày hội cả non sông.

Cụ thể, tại Phú Thọ, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha dẫn đầu được biết, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH khóa XIV gồm 28 thành viên và 21 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 235 thành viên. Đối với cấp huyện đã thành lập được 107 ban bầu cử gồm 978 thành viên và cấp xã thành lập được 1.982 ban bầu cử gồm 15.439 thành viên. Các bước của quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được triển khai tích cực, nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo nội dung và thời gian đúng như theo luật định.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Phú Thọ đã thỏa thuận và biểu quyết nhất trí danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XIV gồm 13 người (chưa tính 3 đại biểu của Trung ương). Người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 160 người, HĐND cấp huyện là 947 người và 14.306 người ứng cử HĐND cấp xã.

Tại Bắc Ninh, ngay sau khi Trung ương triển khai công tác bầu cử, Bắc Ninh đã khẩn trương tổ chức hội nghị triển khai công tác bầu cử từ tỉnh đến cơ sở, thành lập Uỷ ban bầu cử các cấp và 3 Ban bầu cử ĐBQH, 14 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 72 Ban bầu cử cấp huyện, 948 Ban bầu cử cấp xã.

Việc tổ chức hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, công khai, đúng luật, thể hiện sự thống nhất cao trong thỏa thuận về cơ cấu, số lượng, thành phần và lập danh sách sơ bộ người ứng cử. Sau hội nghị hiệp thương lần 2, ở cấp tỉnh đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 13 người ứng cử ĐBQH và 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; ở cấp huyện 531 người ứng cử đại biểu HĐND, ở cấp xã 6.075 người ứng cử đại biểu HĐND.

Tại Nghệ An, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình được thông tin, sau hội nghị hiệp thương, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND được các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật và đúng thời gian quy định. Tại hội nghị, các cử tri đã thể hiện trách nhiệm của mình đã góp ý thẳng thắn, trách nhiệm đối với người ứng cử. Kết quả hiệp thương lần thứ 2, đối với bầu cử ĐBQH đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 30 người, trong đó số ĐBQH được bầu 13 đại biểu, có 5 hồ sơ tự ứng cử; đại biểu HĐND cấp tỉnh đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 209 người, trong đó số đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu là 91 đại biểu, có 1 hồ sơ tự ứng cử; đại biểu HĐND cấp huyện đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 1.586 người, số đại biểu HĐND cấp huyện được bầu là 792 đại biểu, có 4 hồ sơ tự ứng cử;  đại biểu HĐND cấp xã đã thỏa thuận lập danh sách 25.084 người, số đại biểu được bầu là 12.683 đại biểu, trong đó có 52 hồ sơ tự cử. Các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cư tri nơi công tác, nơi làm việc và nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND đều đảm bảo về nội dung, trình tự, thủ tục, số lượng cử tri tham dự, thời gian gửi biên bản hội nghị theo đúng quy định.

Tại Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh được báo cáo, Khánh Hòa đã thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh gồm 23 thành viên và 3 Ban bầu cử ĐBQH, 14 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 75 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 914 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Sau hội nghị hiệp thương lần 2, ở cấp tỉnh đã thỏa thuận lập danh sách sơ bộ 14 người ứng cử ĐBQH (trong đó có 4 người tự ứng cử) và 98 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 (trong đó có 3 người tự ứng cử); ở cấp huyện 533 người ứng cử đại biểu HĐND (có 1 hồ sơ tự ứng cử), ở cấp xã 6.268 người ứng cử đại biểu HĐND (có 26 hồ sơ tự ứng cử). Việc tổ chức hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, công khai, đúng luật, thể hiện sự thống nhất cao trong thỏa thuận về cơ cấu, số lượng, thành phần và lập danh sách sơ bộ người ứng cử.

Tại Đồng Tháp, tỉnh đã thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh; 12 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 144 Ủy ban bầu cử cấp xã trong đó thành lập 3 ban bầu cử ĐBQH; 20 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 109 ban bầu cử HĐND cấp huyện và 974 ban bầu cử HĐND cấp xã. Qua 2 vòng hiệp thương, Ủy ban  MTTQ Việt Nam tỉnh lập danh sách sơ bộ 18 ứng cử viên ĐBQH; 119 ứng cử viên HĐND tỉnh, trong đó có 1 tự ứng cử; 757 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện, thị, thành trong đó có 1 tự ứng cử; 7.228 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã trong đó có 8 người tự ứng cử đảm bảo theo cơ cấu, thành phần, số lượng được phân bổ theo quy định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch, cung  cấp danh sách những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã, phối hợp UBND cùng cấp tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; tập huấn, phân công cán bộ phụ trách địa bàn để theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định...

Cùng với các công việc đang được các địa phương tiến hành theo đúng trình tự, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận thấy, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử song song với lộ trình bước đi của cuộc bầu cử cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của sự kiện chính trị quan trọng này nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, để cho mọi công dân nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, tham gia tự giác, tích cực, chủ động để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tại các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Thái Bình, An Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận… Đoàn Giám sát cũng ghi nhận các địa phương đang rất khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử.

Tại các nơi đến giám sát, các đoàn đã trao đổi thêm về tình hình khiếu nại của cử tri, tình hình cử tri ở các khu công nghiệp trong ngày bầu cử; làm rõ thêm về vấn đề số lượng, cơ cấu, thành phần, chất lượng, tỷ lệ cũng như các phương án đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn trong ngày bầu cử.

Thời gian từ nay đến thời điểm diễn ra bầu cử không còn dài, do đó, các Đoàn Giám sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người ứng cử, chú ý tới việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chu đáo, trang trọng để người dân phấn khởi tham gia đóng góp cho người ứng cử vì đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong công tác bầu cử để tiến tới cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND diễn ra hết sức dân chủ.

Các Đoàn Giám sát lưu ý, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh cần tiếp tục tăng cường hướng dẫn mặt trận cơ sở, giám sát theo dõi các đơn thư, kiến nghị của nhân dân đối với những người ứng cử, từ đó phối hợp giải quyết kịp thời các đơn thư, vướng mắc. Đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm đến hiệp thương lần thứ 3 đúng luật, đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng; tăng cường công tác tập huấn cho các thành viên tham gia vào các tổ bầu cử.

Về việc vận động bầu cử, các đoàn giám sát lưu ý cần đảm bảo công bằng đối với từng người ứng cử trong việc tuyên truyền để người dân tìm hiểu kỹ về tiểu sử của người ứng cử. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ các cấp cần giám sát chặt chẽ đối với các hình thức vận động bầu cử trong việc mua chuộc cử tri nơi tham gia ứng cử.

Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn xã hội cho ngày bầu cử, tăng cường tuyên truyền để số lượng cử tri đi bầu ở mức cao nhất và đảm bảo tính khách quan, phản ánh đúng bản chất trong kết quả bầu cử. Phải thông tin về tiểu sử của từng người ứng cử đến từng gia đình để khi bầu cử, cử tri lựa chọn chính xác nhất. Đặc biệt, tiếp tục triển khai những công việc còn lại để đạt kế hoạch đề ra, kịp thời giải quyết, kiến nghị những vướng mắc phát sinh nếu có. MTTQ cần giám sát quá trình bầu cử để không có việc bầu thay, bầu hộ./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực