Giữ gìn, phát huy và tuyên truyền hiệu quả giá trị nhân đạo trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Thứ năm, 07/01/2021 20:11
(ĐCSVN) - Tuyên truyền các giá trị nhân đạo là 1 trong 7 lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của hoạt động chữ thập đỏ; truyền thống nhân ái, tình thương yêu con người, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Ngày 07/1 tại trường Đại học Văn hóa và Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền các giá trị nhân đạo với chủ đề “Giá trị nhân đạo trong lịch sử dân tộc Việt Nam” cho đối tượng là sinh viên. Chương trình cũng thu hút đông đảo người dân trên địa bàn.

  Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại chương trình

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tuyên truyền các giá trị nhân đạo là 1 trong 7 lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của hoạt động chữ thập đỏ; truyền thống nhân ái, tình thương yêu con người, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam; các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ; Luật nhân đạo quốc tế, nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, điều ước quốc tế khác về hoạt động nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

“Hiểu được các giá trị nhân đạo thông qua các phong trào, cuộc vận động, mỗi tổ chức, cá nhân sẽ có những hành động, việc làm thiết thực để lòng nhân ái được sẻ chia, để cuộc sống nhân văn và ý nghĩa hơn”, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói.

Sinh viên nghe tuyên truyền các giá trị nhân đạo với chủ đề “Giá trị nhân đạo trong lịch sử dân tộc Việt Nam” 

Tại chương trình, GS sử học Lê Văn Lan đã chia sẻ với sinh viên và người dân về các giá trị nhân đạo trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện của GS cho thấy, giá trị đạo lý nhân ái tốt đẹp của cha ông ta vẫn được giữ gìn và tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, nhất là tinh thần tương thân tương ái, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh, tình yêu thương con người, “thương người như thể thương thân” đã trở thành nếp nghĩ, cách sống thấm sâu trong quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội, tạo nên sức mạnh to lớn gắn kết các thế hệ, cùng đoàn kết, chia sẻ với nhau lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như ý nghĩa hoạt động của Hội Chữ thập đỏ từ đó, nâng cao nhận thức về giá trị nhân đạo trong cuộc sống, hướng đến những hành vi tốt, chuẩn mực trong xã hội. 

 

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực