Góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên

Thứ ba, 29/11/2022 13:45
(ĐCSVN) - Diễn đàn “Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước” được tổ chức lần đầu tiên và dự kiến sẽ được duy trì hằng năm nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thanh niên của Việt Nam với các nước.

Ngày 29/11, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế về chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên với chủ đề “Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội có Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, thành viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ban Thư ký Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, cán bộ tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc, các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tham dự điểm cầu trực tuyến tại các nước có lãnh đạo cấp vụ thuộc cơ quan, bộ phụ trách công tác thanh niên các nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

 Đại biểu tham dự Diễn đàn 

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn “Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước” được tổ chức và dự kiến sẽ được duy trì hằng năm. Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thanh niên của Việt Nam với các nước.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, phát triển thanh niên trở thành vấn đề lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. Tại hầu hết các quốc gia, ở các mức độ khác nhau, Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách đối với thanh niên để bồi dưỡng, đào tạo và phát huy sự tham gia của thanh niên vào tiến trình phát triển của xã hội. Để tăng cường đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Thanh niên, chiến lược, chính sách phát triển thanh niên.

Đối với riêng Việt Nam, thanh niên hiện nay được xác định trong độ tuổi từ đủ 16 đến 30 tuổi, chiếm 22,5% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên được khẳng định là lớp người làm chủ tương lai của đất nước; được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên của Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện. Theo đó, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thanh niên, cùng nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến thanh niên. Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, các đề án, dự án, chương trình huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cùng với đó, Nhà nước quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan trong xây dựng và thực hiện chính sách thanh niên.

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Quyên, hằng năm, có ít nhất 700.000 thanh niên được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chính sách và tổ chức thực hiện; chất lượng lao động thanh niên còn hạn chế; tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao, nhiều sinh viên ra trường gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm… Để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nói chung, thanh niên, nhất là sinh viên, ngoài năng động, chủ động của bản thân các bạn trẻ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các ban, ngành cần phối hợp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường; Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm đồng bộ, hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; kết nối cung - cầu lao động.

 Đại biểu phát biểu ý kiến tại Diễn đàn.

Bà Pan Meng, giảng viên của Đại học Nghiên cứu Chính trị Thanh niên Trung Quốc chia sẻ, Trung Quốc rất coi trọng thanh niên tài năng. Thanh niên tài năng cần có những chính sách cụ thể giúp tháo gỡ những thách thức, khó khăn liên quan. Năm 2022, 17 cơ quan đã tham gia cuộc họp chung bàn về dự án thí điểm “Xây dựng thành phố phát triển thanh niên” mục tiêu là xây dựng thành phố thân thiện hơn với thanh niên, giúp thanh niên trong thành phố thành công hơn. Sáng kiến này giúp tối ưu hóa môi trường quy hoạch phục vụ ưu tiên phát triển thanh niên, cải thiện môi trường việc làm và hỗ trợ các nhu cầu sống của thanh niên.

Phát biểu bế mạc, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm đánh giá, qua các ý kiến phát biểu, trao đổi tại diễn đàn, có thể thấy, với đặc điểm về thể chế chính trị khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, lịch sử khác nhau, công tác quản lý nhà nước về thanh niên của các quốc gia cũng khác nhau, nhưng điểm chung của các ý kiến đều nhấn mạnh, đó là: Đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên trong thế giới hiện nay và tại mỗi quốc gia; Nhận thức, quan điểm về quan tâm, chăm lo, phát huy thanh niên, đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho tương lai, chú trọng công tác thanh niên, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển thanh niên; Chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách phát triển thanh niên, đó là: chính sách về khởi nghiệp, lao động, việc làm, văn hóa, thể dục thể thao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách đói với thanh niên có tài năng, thanh niên tình nguyện.

Diễn đàn đã khẳng định được các mục tiêu đề ra gồm: Tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thanh niên của Việt Nam với các nước; Học tập, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách thanh niên của các nước; Đề xuất các sáng kiến, giải pháp tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN, ASEAN+.

Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết, thời gian tới, với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ở Trung ương và các địa phương tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật đối với thanh niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.

“Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các cơ quan/bộ phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các bộ, ngành, địa phương trong quá trình nghiên cứu, đề xuất, thực hiện điều tra, khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên tại Việt Nam. Đồng thời, tích cực tham mưu tổ chức thực hiện các diễn đàn quốc tế chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách phát triển thanh niên hằng năm để xây dựng, tổng hợp các kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế và chia sẻ, thông tin rộng rãi trong phạm vi quan hệ hợp tác thanh niên các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Nguyễn Tường Lâm nói.

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực