|
Quang cảnh Hội nghị. |
Chiều 24/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ KH&ĐT và thành phố Hà Nội; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố (TP) 8 tháng năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020; định hướng phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo HĐND, UBND TP Hà Nội, lãnh đạo một số sở, ban, ngành TP Hà Nội.
4 nhóm đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&ĐT
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, TP Hà Nội luôn nhận được sự hướng dẫn, phối hợp của Bộ KH&ĐT trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là việc xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, đối với công tác quản lý đầu tư, tổng mức kế hoạch vốn trung hạn của TP là hơn 107.303 tỷ đồng. Trong đó, các dự án, nhiệm vụ đầu tư cấp TP là 84.396 tỷ đồng (chiếm 78,7% tổng mức vốn trung hạn). Dự kiến hết năm 2020, TP sẽ giải ngân được 90.350 tỷ đồng (đạt 89,5% kế hoạch đã giao). UBND TP đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Kết quả, chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp, năm 2019 xếp thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 4,6%, tổng dư nợ tăng 4%. Có 17.800 doanh nghiệp được thành lập mới với vốn đăng ký 241.700 tỷ đồng.
Trong công tác thu hút FDI và xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8/2020), TP đã thu hút mới trên 25,5 tỷ USD và vốn đầu tư thực hiện trong kỳ đạt trên 13,5 tỷ USD. Từ năm 2016 - 2019, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách đạt 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho trên 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp). Riêng năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,669 tỷ USD và là năm thứ hai đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập. Đã có 99.503 doanh nghiệp đăng ký thành lập (tăng 24% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký trong 5 năm trước) với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng (tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký trong 5 năm trước). Riêng 8 tháng năm 2020, toàn TP có 17.791 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 241,7 nghìn tỷ đồng.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. |
Bộ KH&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ trong xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công hằng năm. Lũy kế bố trí kế hoạch vốn trung hạn đến nay là 101.019 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến 15/9/2020 là 75.715 tỷ đồng. Ước hết năm 2020 sẽ giải ngân 90.350 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch đã giao. Trên cơ sở đó, TP dự kiến hoàn thành 546/551 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp TP và 851/856 dự án ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện…
Tại hội nghị, TP Hà Nội đã đưa ra 4 nhóm đề xuất, kiến nghị cụ thể với Bộ KH&ĐT để nghiên cứu, xem xé điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đó, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành Trung ương quan tâm trong việc tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Bộ KH&ĐT phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề vượt thẩm quyền trong điều kiện chưa sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục giao đơn vị lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và quy định điều kiện ghi vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Cùng với đó, hỗ trợ TP trong việc chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 02 tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc); quan tâm tổng hợp đề xuất Trung ương bố trí vốn cho dự án Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (từ km14+200 đến km38 + 00) với tổng mức đầu tư 8.713 tỷ đồng… Hà Nội cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tham mưu, báo cáo hỗ trợ ngân sách Trung ương cho các dự án lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, y tế quan trọng, có quy mô lớn, vượt khả năng cân đối của Thành phố, trong đó có các dự án: Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Nâng cấp bệnh viện Xanh Pôn đạt chuẩn Châu Âu; Xây dựng bệnh viện Tim Hà Nội - cơ sở 2 tại Thạch Thất; Cải tạo lòng dẫn sông Đáy…
Tập trung vào quy hoạch và thu hút đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ rất chặt chẽ để thực hiện các nội dung hợp tác giữa Bộ và TP trong thời gian qua. Đồng thời cũng chỉ ra một số thách thức với TP như chưa tạo ra những cú hích mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn; chưa có sản phẩm chủ lực, thương hiệu vượt trội để nâng cao năng lực cạnh tranh; chưa thu hút được các dự án FDI có vốn lớn, có tính chất dẫn dắt cho động lực phát triển; hoạt động đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường còn nhiều vấn đề đặt ra…
|
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Từ đó, Bộ trưởng Ngyễn Chí Dũng cho rằng nếu không có cái nhìn tổng thể thì sẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Vì đây là câu chuyện của quy hoạch, cần sự tham gia của các cấp, các ngành. Từ đó, Bộ trưởng đề xuất Hà Nội cần tầm nhìn quy hoạch mạnh mẽ hơn, chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược… Đối với các vướng mắc về cơ chế chính sách, Bộ KH&ĐT sẽ ghi nhận và phối hợp với các bộ, ban ngành để nghiên cứu, tháo gỡ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra, trong đó, có 4 chỉ tiêu vượt, 3 chỉ tiêu về đích sớm 2 năm. Trong những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, còn có sự quan tâm thường xuyên của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ KH&ĐT.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ KH&ĐT đã giúp đỡ rất nhiều cho TP Hà Nội. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là tăng trưởng gấp 1,3 lần mức chung của cả nước và hoàn thành dự toán thu ngân sách Chính phủ giao, Hà Nội có nhiều vấn đề cần sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT, trước mắt là tháo gỡ khó khăn trong năm 2020, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tới.
Đề cập đến vấn đề quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho đây là nhiệm vụ lớn và giao UBND TP sớm thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, mời các chuyên gia, thuê tư vấn trong và ngoài nước để sớm phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. TP sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn và các địa phương xung quanh. Đặc biệt, xây dựng một số cây cầu bắc qua sông Hồng tạo đột phá lớn về phát triển kinh tế. Trong việc tháo gỡ các thể chế, chính sách, cơ chế điều phối liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà Hà Nội là chủ tịch, Bí thư Thành uỷ Hà Nọi cho biết, Hà Nội đã có đề nghị một số công trình hạ tầng kết nối giao thông liên vùng…
|
Thành ủy Hà Nội và Bộ KH&ĐT ký kết hợp tác phối hợp giai đoạn tới. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với thành phố thực hiện một số chương trình công tác lớn trong giai đoạn tới như: Đầu tư kết cấu hạ tầng; chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển các mô hình kinh tế đô thị; phát triển khoa học công nghệ để Hà Nội thực sự là trung tâm lớn của cả nước và hướng tới dẫn đầu Đông Nam Á; đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thống kê trên địa bàn TP...
“Hà Nội sẵn sàng đăng cai, phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng tổ chức các diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TP cũng sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&ĐT và đăng ký thử nghiệm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh…/.