Hà Nội dự kiến nhu cầu đầu tư là 650.000 tỷ đồng

Thứ tư, 22/09/2021 22:57
(ĐCSVN) - Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), Hà Nội dự kiến nhu cầu đầu tư theo đề xuất là 650.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 45 dự án với 29.697 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng số tiền 1.350 tỷ đồng.
Quang cảnh kỳ họp. 

Chiều 22/9, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố (TP) Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tập trung thảo luận về các tờ trình, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra về một số nghị quyết chuyên đề.

Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã xem xét về: Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2021 và việc các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố.

Tập trung vào các dự án quan trọng, cần thiết

Theo đó, về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025), thành phố dự kiến nhu cầu đầu tư theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã là 650.000 tỷ đồng. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.

Về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư 45 dự án với 29.697 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án với tổng số tiền 1.350 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng đề thực hiện 255 dự án. Thành phố dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án. Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch…

Xem xét thông qua danh mục hơn 600 dự án thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Tiếp đó, HĐND TP xem xét tờ trình về điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021

Theo đó, về điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2021, UBND TP đề xuất điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục đã duyệt 17 dự án thu hồi đất năm 2021 với diện tích 49,21ha và 10 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 14,19ha.

Đồng thời, UBND TP đề nghị bổ sung danh mục 623 dự án thu hồi đất với diện tích 1.942,9ha và 352 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 486,11ha. Trong số đó, có 585 dự án sử dụng vốn ngân sách và 38 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách; bổ sung 352 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích 486,12ha. Danh mục thu hồi đất thuộc các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Mê Linh.

Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho các danh mục thu hồi đất, UBND TP Hà Nội cho biết đối với dự án trong kế hoạch đầu tư công của thành phố sẽ sử dụng ngân sách của thành phố và của huyện để giải phóng mặt bằng. Còn các dự án ngoài ngân sách, do các chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo đủ kinh phí giải phóng mặt bằng năm 2021. Trong năm thực hiện, thành phố tiếp tục rà soát đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp thứ tự ưu tiên theo tính cấp thiết của từng dự án.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. 

Trường hợp phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án quan trọng, cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà chưa có trong danh mục Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, Ủy ban Nhân dân thành phố tổng hợp, đề nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố thống nhất trước khi quyết định thu hồi đất.

Cũng trong chiều nay, HĐND TP Hà Nội xem xét tờ trình về Quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố; xem xét tờ trình về Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND TP. Theo tờ trình, đối tượng bảo trợ xã hội gồm 8 nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm 6 nhóm đối tượng); đối tượng “người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập” không còn thuộc diện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, UBND TP đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do trung ương quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).

Ngày mai (23/9), HĐND TP Hà Nội tiếp tục làm việc và bế mạc kỳ họp./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực