Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Thảo luận 6 vấn đề quan trọng

Thứ ba, 30/11/2021 11:03
(ĐCSVN) – Dự kiến trong 1,5 ngày làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công của TP…

Sáng ngày 30/11, diễn ra Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVII.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

 Các đại biểu thông qua nội dung, chương trình Hội nghị.

Dự kiến trong 1,5 ngày làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công của TP, gồm: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của TP Hà Nội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của TP Hà Nội năm 2022; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2021, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2022; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của TP năm 2022; Báo cáo một số nội dung hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP... Các nội dung này cũng sẽ được quyết nghị tại kỳ họp cuối năm 2021 của HĐND TP để làm căn cứ thực hiện trong năm 2022.

Đáng chú ý, hội nghị sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề rất kịp thời khi được xây dựng ngay sau khi diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc; đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Hội nghị cũng sẽ xem xét, thảo luận và cho ý kiến về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy và dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, gồm: Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố giải đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh các nội dung được họp bàn, cho ý kiến tại hội nghị đều rất quan trọng đối với sự phát triển của TP, đồng thời gợi mở một số vấn đề để hội nghị thảo luận. Cụ thể, về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2021, 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022 - 2024 của TP, Bí thư Thành ủy đề nghị cần phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP, nhất là đánh giá kỹ lưỡng sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong các giải pháp, cần đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với phát triển bền vững nền giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội; Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và tiến bộ, công bằng xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…) và các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao, dự án có khả năng giải ngân vốn tốt; đặc biệt là dành nguồn vốn đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập của thành phố đạt chuẩn Quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về số gường bệnh/1 vạn dân..

Đối với dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, bàn kỹ, bàn sâu các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài để có thể khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Với dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý cần đi sâu phân tích các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý; nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức và đổi mới lề lối làm việc; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách…

Về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là công việc thường xuyên hàng năm của Thành ủy, là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng của TP. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành đảng bộ TP xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội với 02 cuộc kiểm tra và 01 cuộc giám sát chuyên, đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp đó, các đại biểu đã chia thành 4 tổ để thảo luận đối với 6 nội dung trên./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực