Khắc phục tình trạng lười, ngại học lý luận chính trị cho học viên

Thứ ba, 06/04/2021 13:53
(ĐCSVN) - Nhiệm vụ của các thầy cô là truyền cảm hứng, gợi mở cho các học viên. Đây cũng là một nhiệm vụ mà văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh, khắc phục tình trạng lười, ngại học lý luận chính trị.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ rõ như vậy tại lễ khai mạc hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV diễn ra vào sáng 06/4, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thi

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, muốn có được những học viên giỏi phải có những giảng viên đáp ứng được công tác đào tạo cán bộ quản lý trong tình hình mới. Nhiệm vụ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là không chỉ trang bị kiến thức mà còn cả phương pháp, kỹ năng sư phạm cho các giảng viên để công tác giảng dạy lý luận chính trị không bao giờ rơi vào tình trạng nhàm chán, học viên không có sự hứng thú.

“Nhiệm vụ của các thầy cô là truyền cảm hứng, gợi mở cho các học viên. Điều này đặt ra yêu cầu lớn cho giảng viên, đó là khả năng tương tác với các học viên. Đây cũng là một nhiệm vụ mà văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh. Chúng ta phải tăng cường xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng, trong đó có việc khắc phục tình trạng lười, ngại học lý luận chính trị”. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nói.

Để khắc phục được điều này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài việc học viên cần có ý thức học tập, tăng cường kỷ cương, tự bồi dưỡng, rèn luyện thì nếu giảng viên có kiến thức rộng, có phương pháp khoa học, kỹ năng tốt, đặc biệt là phương pháp sư phạm thì sẽ truyền được cảm hứng cho học viên đối với môn lý luận chính trị. Đây là lý do và yêu cầu để Học viện tổ chức Hội thi giảng viên giỏi lần thứ IV.

Nhấn mạnh những giảng viên tham dự hội thi là những cá nhân xuất sắc đã vượt qua các vòng thi ở cơ sở, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, thí sinh phải thực hiện nghiêm các quy định, thể lệ của Hội thi. Ban Giám khảo Hội thi cần khách quan, công tâm khi đánh giá giáo án và bài giảng trên lớp của các thí sinh dự thi, từ đó tìm ra những giảng viên thực sự xuất sắc.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, hiện, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang rất chú ý đến công tác đào tạo, đặc biệt là đối với các giảng viên trẻ tham gia giảng dạy lý luận chính trị không chỉ ở hệ thống 72 trường chính trị trong cả nước mà kể cả giáo dục lý luận chính trị trong các trường cao đẳng và đại học. Yêu cầu về đào tạo giảng viên lý luận chính trị bài bản cũng nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất, chuyên môn, phương pháp , kỹ năng đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay của Học viện.

Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV gồm 6 tiểu ban với các chuyên ngành khác nhau trong hệ thống lý luận chính trị. 48 thí sinh tham dự Hội thi là các giảng viên đến từ các đơn vị trực thuộc Học viện sẽ dự thi trong 02 ngày (06-07/4) với hai hình thức: Giáo án và bài giảng trên lớp. Thí sinh xuất sắc được trao các danh hiệu: “Giảng viên giỏi”, “Giảng viên xuất sắc”./.

 

 

 

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực