Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp

Thứ sáu, 29/07/2022 22:05
(ĐCSVN) – Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu nhất trí với quan điểm của Ban Kinh tế Trung ương: “Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ”...
leftcenterrightdel
Các đồng chí chủ trì buổi làm việc. 

Chiều 29/7, đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo các vụ, viện, đơn vị chức năng của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT).

Phát biểu gợi mở, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ (Bộ TT&TT) xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sắp tới.

Triển khai xây dựng Đề án quan trọng này, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã đặt hàng các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trên 60 báo cáo và chuyên đề, 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế (WB, UNIDO, AFD, GIZ) cũng đã tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án. Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ Biên tập, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành 02 báo cáo và 02 chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng Đề án. Trên cơ sở các báo cáo của Bộ TT&TT, cũng như các bộ, ngành, địa phương, Thường trực Tổ biên tập đã hoàn thành Dự thảo Đề án gửi xin ý kiến các thành viên Tổ Biên tập và đang tích cực hoàn thiện Đề án trước khi trình xin ý kiến Ban Chỉ đạo.

Đồng chí đề nghị các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung như: Quan điểm, ý kiến của Bộ TT&TT về cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách CNH, HĐH của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay và của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Vai trò của các doanh nghiệp trong nước đối với nhiệm vụ “Phát triển Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử của Việt Nam trong quá trình CNH, HĐH tới đây như thế nào? Chính sách nào để phát triển doanh nghiệp dân tộc ra sao?”. Nếu mô hình CNH, HĐH trong thời gian tới của nước ta là “Mô hình CNH, HĐH dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bao trùm” thì cần thêm, bớt thành tố gì hoặc cần thay đổi thế nào? Luận cứ cho những đề xuất là gì? Nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH mới như thế nào? Các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của CNH, HĐH đất nước đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong Nghị quyết tới sẽ thế nào?

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ TT&TT, các đại biểu, các doanh nghiệp báo cáo thêm những nội dung mới, then chốt cần đặc biệt lưu ý, liên quan đến lĩnh vực phụ trách cần đưa vào dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về CNH, HĐH trong thời gian tới.

Theo đó, tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cũng như đại diện các vụ, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ TT&TT đánh giá cao về Dự thảo đề án, đồng thời, Bộ TT&TT cũng thống nhất với ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, coi mô hình CNH, HĐH gồm: Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, hệ thống chính sách; nhất trí với quan điểm của Ban Kinh tế Trung ương: “Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ”...

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT, các đại biểu cũng cũng tập trung vào một số nội dung quan trọng, cụ thể như các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên trong thời gian tới; các quan điểm, ý kiến khác của Bộ đối với mô hình CNH, HĐH của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những nội dung mới mà Bộ TT&TT đã và đang tập trung thực hiện như: Chuyển đổi số quốc gia; phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng; phát triển các ngành cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh….

Ở góc độ thực tiễn, ứng dụng, ông Nguyễn Viết Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần RikkeiSoft đặc biệt quan tâm đến việc: Cần có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; phát triển hạ tầng số, cần có một hệ sinh thái ứng dụng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn FPT cũng đặc biệt nhấn mạnh về yếu tố con người. Theo ông Trương Gia Bình, đào tạo nhân lực ở Việt Nam còn yếu, cần phải có chiến lược, đưa vào chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước.

Ông Võ Đức Thọ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử HANET Việt Nam cho rằng: Việc các DN Việt Nam tạo ra nền tảng cho các DN khác khai thác phát triển còn yếu, chưa có tính cạnh trạnh cao so với các DN nước ngoài. Do vậy, muốn DN trong nước phát triển thì Nhà nước phải có chính sách phù hợp để các DN này có thể thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.

Đồng tình quan điểm với lãnh đạo HANET, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng đề cập tới việc doanh nghiệp Việt Nam cần phấn đấu để vừa tự lực để phát triển, vừa tạo sức hút để hút doanh nghiệp các nơi đổ về, có như vậy thì mới từng bước thực hiện được mục tiêu CNH, HĐH đã đề ra.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đưa ra một số ví dụ của các nước trên thế giới về khái niệm, lộ trình thực hiện CNH, HĐH, từ đó đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu, chắt lọc, chọn lọc để đưa vào chủ trương, chính sách của Việt Nam phù hợp.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại buổi làm việc. 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cảm ơn các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn và trực diện của các đại biểu, nhất là của Bộ TT&TT và các DN có liên quan; khẳng định các nội dung mà các đại biểu đề cập từ yếu tố nguồn nhân lực, sự tự lực, tự cường của các doanh nghiệp đến quan điểm CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; Nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Thứ hai, công nghiệp công nghệ số sẽ giữ vai trò là động lực, then chốt của quá trình CNH, HĐH trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh; chú trọng ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp số trong nước lớn mạnh.

Thứ tư, trong giai đoạn tới, để công nghiệp công nghệ số và “make in Việt Nam” trở thành động lực phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển kinh tế số tốt hơn. Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển kinh tế số, trọng tâm là công nghiệp công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghệ số trên thị trường toàn cầu...

Thứ năm, để lãnh đạo, chỉ đạo thành công quá trình CNH, HĐH, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, cần thiết phải ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ TT&TT đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thể chế hóa cơ chế, chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các nội dung được trao đổi tại buổi làm việc ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách CNH, HĐH đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí đề nghị Bộ TT&TT và các bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham gia trực tiếp vào các hoạt động để xây dựng Đề án bảo đảm chất lượng cao nhất. Đồng thời, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổ Biên tập làm rõ những nội dung mà các đại biểu đề cập; nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp phù hợp trong quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực