Kiểm điểm nghiêm túc, phân rõ trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản

Thứ năm, 27/06/2019 17:05
(ĐCSVN) - Nêu rõ việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn thành phố rất chậm, thậm chí đang có xu hướng chậm dần, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố kiểm điểm lại vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc, phân rõ trách nhiệm.

Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản

Sáng 27/6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã có cuộc giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2019, xem xét 3 nội dung quan trọng: Kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB…; triển khai Kế hoạch bảo đảm cấp, thoát nước mùa hè năm 2019; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.

 

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Báo cáo về tiến độ giải ngân vốn XDCB cấp Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong 5 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải ngân 6.871 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch giao đầu năm. Ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2019, đạt 14.467 tỷ đồng, bằng 31% kế hoạch. Toàn Thành phố cũng đã khởi công 28/126 dự án khởi công mới trong năm 2019.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, tiến độ giải ngân vốn XDCB còn chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Sau 5 tháng đầu năm, chỉ có một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, như Hà Đông (89%), Đan Phượng (51%), Quốc Oai (49%), Thanh Oai (45%), Mỹ Đức (44,15%), còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của Thành phố. Cá biệt còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân, như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... 5/6 Ban quản lý dự án của Thành phố cũng có mức giải ngân thấp, như Ban Đường sắt đô thị (12%), Ban Nông nghiệp (12%), Ban giao thông (3%).

Theo phân tích của UBND Thành phố Hà Nội, nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa khởi công; công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt kế hoạch; một số dự án chuyển tiếp không giải ngân được do vướng giải phóng mặt bằng. Các dự án khởi công mới nguyên nhân chậm triển khai do mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; các công trình dân dụng còn phải lập và duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy…

Đối với tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, trong tổng số 55 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 501 nghìn tỷ đồng, có 29 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 24 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án xã hội hóa. Đến nay, có 5 dự án và 1 hạng mục dự án ngân sách đã hoàn thành; 15 dự án (trong đó có 12 dự án ngân sách và ODA, 3 dự án PPP) đang đẩy nhanh tiến độ thi công; 6 dự án (gồm 5 dự án ngân sách và 1 dự án xã hội hóa) dự kiến khởi công trong năm 2019 và đầu năm 2020; 3 dự án PPP đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; 25 dự án và 1 hạng mục dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo thêm về việc giải ngân
 vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm. (Ảnh:TH)

Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao của nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP đang phải tạm dừng chờ Nghị định hướng dẫn. UBND TP đánh giá, có 19/55 dự án đáp ứng tiến độ so với kế hoạch, 36/55 dự án chậm tiến độ. Dự kiến, đến hết năm 2020, có 19/33 dự án hoàn thành, cơ bản hoàn thành, đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND, trong đó một số dự án cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới có thể hoàn thành, như: Đường vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến QL32; hầm chui Lê Văn Lương; dự án tiếp nước, khôi phục sông Tích...

Sau khi nghe các ý kiến đại biểu thảo luận, 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu làm rõ hơn một số vấn đề. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn thành phố vẫn chậm, thậm chí có xu hướng chậm dần, 6 tháng đầu năm giải ngân ở mức thấp nhất trong 5 năm vừa qua (chỉ đạt 31%), đó là một thực trạng hết sức trăn trở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, khi kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ra một Nghị quyết yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc việc triển khai và xử lý ngay việc chậm tiến độ triển khai các vốn đầu tư xây dựng. Sau đó, UBND Thành phố đã thực hiện công tác kiểm điểm, đưa ra rất nhiều giải pháp khắc phục. Thế nhưng đến nay, kết quả thực hiện vẫn rất chậm. Phải hết sức nghiêm túc kiểm điểm trong vấn đề này.

Theo người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội, qua đánh giá cũng như thảo luận tại hội nghị này, các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ vẫn xưa cũ, không có gì mới. Do đó, từng đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách chịu trách nhiệm tham mưu vấn đề gì thì phải làm rõ.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện với chủ đầu tư trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từng đơn vị cần chủ động làm tốt các nội dung, công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án, đảm bảo cải cách tối đa các thủ tục hành chính. Một vấn đề nữa là cần phải tháo gỡ các cơ chế, chính sách cho các ban quản lý dự án của thành phố để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh:TH)

Về nội dung triển khai Kế hoạch bảo đảm cấp, thoát nước mùa hè năm 2019, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện khi đến đầu 2019, tỷ lệ cấp nước sạch cho các hộ dân đã được nâng lên đáng kể. Ở khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đã nâng từ 50 lên 57%, dự kiến cuối năm nay đạt 75% và đến 2020 là 100%... Chỉ rõ những hạn chế đang xảy ra như: nhiều nơi hệ thống cấp nước, mạng cấp nước đã xuống cấp; chất lượng nước một số nơi còn bị người dân phàn nàn, Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND Thành phố, các cơ quan chức năng liên quan phải rà soát lại, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng nước sạch cho dân.

Về vấn đề đảm bảo thoát nước và chống úng ngập khu vực nội thành trong mùa mưa lũ 2019, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, theo báo cáo, toàn thành phố vẫn còn 16 điểm úng ngập cục bộ. Trong khi đó, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan. Do vậy, cần triển khai xử lý cấp bách hơn vấn đề này.

Về phòng chống dịch bệnh trên người, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị ngành y tế phải có biện pháp thiết thực để nâng cao tỷ lệ trẻ tiêm chủng; Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngay từ đầu năm chứ không đợi có dịch mới triển khai…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực