Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Bộ Tài chính

Thứ ba, 17/05/2022 22:28
(ĐCSVN) - Chiều 17/5, tại Hà Nội, Đoàn Kiểm tra số 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. 

Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hồ Đức Phớc, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các thành viên của Đoàn kiểm tra số 2; đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Tài chính.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng đoàn kiểm tra số 2 đã công bố Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra và Kế hoạch kiểm tra tại Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính. Theo đó, tại Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính, Đoàn sẽ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Qua đó, phát hiện, kiến nghị xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực mà không được xử lý, giải quyết theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá mà không có căn cứ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả tốt hơn đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, chương trình kiểm tra của Ban Chỉ đạo tập trung vào một số nội dung trọng tâm gồm: tập trung hoàn thiện thể chế, rà soát khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh kết thúc điều tra xử lý các vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.

Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. 

Nội dung kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, việc xử lý khởi tố tội phạm về tham nhũng kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực.

Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân thuộc phạm vi đoàn kiểm tra yêu cầu. Qua đó, phát hiện, kiến nghị xử lý được những vi phạm, đồng thời biểu dương khen thưởng những nơi làm tốt, mô hình kinh nghiệm hay, đảm bảo quy định, quy tắc của Nhà nước.

Khẳng định lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính rất rộng, yêu cầu cao, có nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng và của Ban Chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát, kế hoạch, lịch trình kiểm tra; xây dựng, hoàn thiện báo cáo theo các nội dung đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra, làm rõ những kết quả đạt được cũng như hạn chế, khó khăn, từ đó đề xuất, kiến nghị để kịp thời khắc phục. “Mục tiêu cuối cùng là chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, đội ngũ cán bộ các cấp nhất là người đứng đầu. Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn là để xảy ra hậu quả, Đảng cần cái đó hơn”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính là bộ đa ngành, chức năng nhiệm vụ rất lớn, với nhiều lĩnh vực từ chứng khoán, bảo hiểm đến chính sách tài khoá, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, giá… Cùng với đó, số lượng cán bộ công chức của Bộ Tài chính lớn nhất trong tất cả các bộ ngành.

Bộ Tài chính cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ nhất, luôn là đơn vị sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin đứng đầu khối bộ ngành. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính rất rộng, trong đó có nhiệm vụ tham mưu Chính phủ và Quốc hội ban hành các luật và nghị định chiếm số lượng lớn nhất. Riêng năm 2021, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành 43 nghị định và ban hành 126 thông tư, chiếm 26% tổng số nghị định của Chính phủ ban hành trong 1 năm. Những nghị định này nhằm đảm bảo quản lý tài chính tài sản hiệu quả.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính vừa là cơ quan phòng chống tham nhũng cũng vừa thuộc đối tượng phòng chống tham nhũng bởi quản lý tài sản, tài chính, chính sách chế độ... "Bộ Tài chính luôn luôn ý thức làm việc hết sức thận trọng, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao." - Bộ trưởng khẳng định…/.

Tài Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực