Lá phiếu và trách nhiệm công dân!

Thứ hai, 09/05/2016 10:09

(ĐCSVN) - Ngày 22-5-2016 là Ngày hội của toàn dân, ngày cử tri cả nước thực hiện quyền và trách nhiệm công dân thông qua lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng, có nghĩa quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, như một biểu hiện sinh động về dân chủ đã và đang lan tỏa trong đời sống xã hội.

 

Ảnh minh họa.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”(1). Người căn dặn: “…dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước” (2). “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” (3).

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gọi chung là đại biểu dân cử) là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không những là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã hy sinh tính mạng và tài sản để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ. Lá phiếu bầu biểu hiện sinh động lòng tin của dân với Đảng, với chế độ. Mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả là "viên gạch hồng" góp phần dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tế qua nhiều cuộc bầu cử, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, nêu cao trách nhiệm công dân, cũng còn một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, lơ là với việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Biểu hiện  phổ biến ở những cử tri này là thiếu quan tâm đến cuộc bầu cử, coi sự kiện chính trị quan trọng này không có liên quan đến bản thân mình, nên thường nhờ người khác bầu hộ, thậm chí không tham gia bỏ phiếu. Một bộ phận không nhỏ cử tri không tìm hiểu kỹ về nhân thân các ứng cử viên, không căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu để so sánh, lựa chọn người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Có cử tri khi cầm lá phiếu trong tay vẫn chưa biết số lượng đại biểu được bầu, chưa hiểu biết về từng ứng cử viên, nên gạch tên đại biểu một cách vô thức, rồi bỏ vào hòm phiếu để được đóng dấu “đã đi bầu”.

Mọi biểu hiện thờ ơ với cuộc bầu cử, không tham gia bỏ phiếu hoặc nhờ người bầu hộ, bầu “cho xong”… không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc...

Để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thành công, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền giúp cho mỗi người dân đều hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, quyền lợi và trách nhiệm của cử tri, những quy định cụ thể về quy trình và thể lệ bầu cử. Đặc biệt là cần tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, mạn đàm, trao đổi về ứng cử viên, tạo điều kiện để các ứng cử viên trình bày chương trình hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp cử tri hiểu biết những thông tin về từng ứng cử viên, trên cơ sở đó lựa chọn những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, thật sự tiêu biểu làm đại diện của dân tại cơ quan dân cử.

Cử tri cần tự mình tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu cần thiết của Quốc hội, HĐND các cấp, số lượng ứng cử viên và số đại biểu được bầu tại đơn vị bầu cử. Ứng cử viên ghi trong phiếu bầu cử là những người đã được lựa chọn qua hội nghị hiệp thương, đều đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi cầm lá phiếu trên tay, cử tri cần cân nhắc, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân với cơ quan dân cử.

Chất lượng đại biểu dân cử có vị trí quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội và HĐND các cấp cho thấy, một số đại biểu dân cử năng lực hạn chế, ít liên hệ mật thiết với nhân dân, thiếu hiểu biết thực tiễn đời sống xã hội nên không phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của cử tri, không tỏ rõ được chính kiến của mình trong các phiên họp của cơ quan dân cử, không làm tròn trách nhiệm là “đại diện của dân”. Cá biệt có đại biểu vi phạm kỷ luật, pháp luật, bị bãi miễn tư cách đại biểu…là do khi bầu cử không lựa chọn kỹ lưỡng, để lọt những đại biểu không đủ tiêu chuẩn, không thật sự tiểu biểu cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.  

Từ thực tiễn trên đây, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này, đòi hỏi mỗi cử tri cần phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, thực hiện trách nhiệm công dân, tích cực tham gia bỏ phiếu, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, bầu đủ số lượng đại biểu được bầu, xứng đáng là những công dân có trách nhiệm đối với đất nước./.

-----------------
 (1) - “Bài nói với Đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa III ở Hà Nội”,(Báo Nhân Dân ngày 15/4/1964).         

(2) - Lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB chinh trị Quốc gia, 2002).

(3) - Lời phát biểu trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I, tại Nam học xá, nay là Trường Đại học Bách khoa.

Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực