Nâng cao năng lực đào tạo của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương

Thứ tư, 14/07/2021 16:06
(ĐCSVN) - Các trường bộ, ngành được giao đảm nhận đào tạo Trung cấp lý luận chính trị phải rất nỗ lực để nâng cao năng lực đào tạo; công tác quản lý, thực hiện nội dung chương trình; kiểm tra, đánh giá… phải rất nghiêm túc, bài bản, nền nếp và chất lượng.

Đó là chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (TCLLCT-HC) của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/7 tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong điều kiện hiện nay, chủ trương giao cho các trường bộ, ngành đào tạo TCLLCT là hoàn toàn đúng đắn; góp phần chuẩn hóa một số lượng lớn cán bộ, lãnh đạo quản lý của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đặc biệt, góp phần quan trọng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về đội ngũ giảng viên; kinh nghiệm quản lý đào tạo TCLLCT; về cơ sở vật chất…, nhiều trường đã nỗ lực, cố gắng đổi mới công tác tổ chức, quản lý; triển khai thực hiện khá tốt nội dung, chương trình với quy mô lớp hằng năm rất lớn, thậm chí còn cao hơn quy mô đào tạo TCLLCT của 01 trường chính trị. 

Cùng với đó, chất lượng đào tạo cũng đang từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Đặc biệt, với việc thành lập cụm thi đua các trường bộ, ngành, hoạt động cùng với 9 cụm thi đua của các trường chính trị trong cả nước, các trường bộ, ngành đã có nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện đào tạo TCLLCT.

Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết trong công tác đào tạo TCLLCT-HC của các trường bộ, ngành. Đó là: thực hiện chưa nghiêm quy chế quản lý đào tạo về công tác tuyển sinh, còn tình trạng tuyển sinh sai đối tượng dẫn đến dư luận không tốt về công tác đào tạo TCLLCT-HC của trường bộ, ngành, thậm chí có đơn thư khiếu nại, kiến nghị; tình trạng vi phạm quy chế quản lý đào tạo diễn ra khá phổ biến, các trường chưa chú trọng mở lớp tập trung, tỷ lệ các lớp tập trung quá ít (dưới 10% số lớp); việc thực hiện nội dung chương trình ở một số trường chưa nghiêm, còn tình trạng cắt xén thời lượng; tỷ lệ giảng viên cơ hữu giảng dạy TCLLCT-HC mỏng...

 Quang cảnh Hội nghị

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT, vừa qua Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, trong đó đòi hỏi rất cao về tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; về các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng LLCT nói chung và đào tạo TCLLCT nói riêng…

"Đối với các trường bộ, ngành được giao đảm nhận đào tạo TCLLCT, đòi hỏi phải rất nỗ lực để nâng cao năng lực đào tạo; công tác quản lý, thực hiện nội dung chương trình; kiểm tra, đánh giá… phải rất nghiêm túc, bài bản, nền nếp và chất lượng. Đặc biệt phải xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác đào tạo", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng đánh giá kết quả công tác đào tạo TCLLCT-HC trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị của bộ, ngành; vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản về hoạt động đào tạo; những bất cập trong việc xác định đối tượng, mục tiêu, nội dung chương trình; đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TCLLCT thời gian tới.

Hiện nay, cả nước có 11 trường bồi dưỡng cán bộ của 10 bộ, ngành, đoàn thể Trung ương được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng ý đào tạo chương trình TCLLCT-HC. Đội ngũ giảng viên giảng dạy TCLLCT-HC có 775 người, trong đó giảng viên cơ hữu là 267 (chiếm 34,45%). Từ năm 2016 đến nay, 11 trường bộ, ngành đã tổ chức được 555 lớp với 36.507 học viên.

Thời gian tới, các giải pháp được xác định đối với công tác đào tạo TCLLCT của các trường bộ, ngành, đoàn thể Trung ương là: Tăng cường vai trò quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành đối với công tác đào tạo; đổi mới công tác quản lý đào tạo TCLLCT của các trường bộ, ngành. 

Tin, ảnh: Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực