Phát huy vai trò người có uy tín trong phong trào “dân vận khéo”

Thứ sáu, 10/01/2020 09:36
(ĐCSVN) - Cả nước hiện có 34.031 người có uy tín, được nhân dân các thôn bản, buôn làng bình chọn, suy tôn và được chính quyền địa phương công nhận. Với vị trí, vai trò và sự ảnh hưởng của mình, những năm qua, người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong phong trào “Dân vận khéo”. Do đó, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín tiếp tục là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong công tác dân vận hiện nay.
leftcenterrightdel

Người có uy tín ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) 

Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng, miền khác nhau đều có những người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng. Họ có thể là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú… được cộng đồng suy tôn, chính quyền địa phương công nhận.

Trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành, chi phối bởi một người có uy tín nhất trong gia đình. Trong từng dòng họ, đều có người đứng đầu là trưởng tộc, trưởng họ để duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là trong sinh hoạt tín ngưỡng để nhớ về tổ tiên, nguồn cội; duy trì tôn ti trật tự, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các gia đình đối với dòng họ, bản làng, cộng đồng và đất nước. Trong đời sống cộng đồng, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng và tộc người.

Hiện nay, cả nước có 34.031 người có uy tín. Trên nhiều bình diện khác nhau, họ đều đóng vai trò đầu tàu trong sự vận hành xã hội, duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân vận của Đảng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở  vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thu được nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh Bắc Kạn đã phát huy vai trò của người có uy tín trong mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Kết quả là trong 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng được 700 mô hình điển hình như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nuôi gà thả đồi, nuôi lợn thương phẩm, ống tiền tiết kiệm…

Tỉnh Sơn La xây dựng mô hình “dòng họ hiếu học”, “nhà trường an toàn không có ma túy”, “góp vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”, “liên gia tự quản”, “mô hình đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quản lý, sử dụng đất”…

Tỉnh Lào Cai với mô hình tổ chức Ban Tuyên vận ở cấp xã trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, góp phần vào thành tích toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Tại tỉnh Điện Biên, người có uy tín đã phát huy vai trò vận động đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Nhé định canh định cư, không nghe theo luận điệu “Lập tôn giáo Mông và Nhà nước Mông”.

Tỉnh Lai Châu xây dựng 3.226 mô hình “Dân vận khéo” điển hình như “mái ấm cho người nghèo biên giới”, “tặng bò giúp người nghèo biên giới” …

Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng xây dựng được 227 mô hình, với 44 tập thể, 35 cá nhân trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa với những mô hình điển hình như: “Cánh đồng một loại giống lúa Bao Thai chất lượng cao”, “làm nghề giấy Dó - Nà Mạ”, “nuôi nhím thu nhập cao 100 triệu đồng/hộ/năm”…

Tỉnh Hòa Bình xây dựng được 6.000 mô hình “Dân vận khéo” như: “làng, bản văn hóa quốc phòng”, “nhà trường không có ma túy”, “tranh thủ người có uy tín vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ”…

Nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu đã có nhiều đóng góp trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” như ông Lê Ngọc Giáp, dân tộc Thổ, người có uy tín, Bí thư chi bộ thôn Cát Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng quy tụ mối đoàn kết trong thôn, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ông Giáp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Ông Hồ Sìu Phúc, dân tộc Dao, người có uy tín thôn Nà Thống, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã vận động 9 hộ hiến 4.000 m2 đất để làm đường, rãnh thoát nước, kênh mương tưới tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Hồ Riềng, bản Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tự đầu tư ngăn đập giữ nước để trồng trên 01 ha lúa nước và vận động bà con xung quanh trồng 8 ha lúa nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực…

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nòng cốt chính trị giúp Ban và các cấp ủy đảng thường xuyên, kịp thời nắm, cung cấp thông tin về tình hình nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giao trách nhiệm khi có vấn đề phức tạp xảy ra; trao đổi, góp ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân vận và xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Do đó, xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong công tác vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số là nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về cốt cán, người có uy tín, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Trung ương, đặc biệt là trong phong trào “Dân vận khéo”.

Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong vận động nhân dân vùng dân tộc thiểu số chưa thành quy định cụ thể của Đảng; cơ chế, chính sách đối với người có uy tín còn thiếu thống nhất; thiếu tiêu chí xác định, phân định cấp độ cụ thể về người có uy tín. Ban Dân vận Trung ương và nhiều Ban Dân vận cấp ủy địa phương chưa xây dựng được lực lượng cốt cán, người có uy tín làm nòng cốt dân vận trong cộng đồng các dân tộc thiểu số…

Để xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” nói riêng, cần tiếp tục bồi dưỡng, phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường, quy trình lựa chọn, thành phần dân tộc, mức độ ảnh hưởng… Phân định cấp độ quản lý, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín (quốc gia, địa phương, khu vực, dòng họ, tín ngưỡng…) để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả.

Người có uy tín cũng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

 Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc xây dựng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng. /.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực