Phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở vùng sâu, vùng xa huyện Đakrông

Thứ ba, 09/02/2010 23:06

Trước năm 2005, nhiều bản ở Đakrông (Quảng Trị) chưa có tổ chức đảng và đảng viên. Phần lớn số đảng viên ở đây đều đã cao tuổi, trình độ văn hóa thấp, khả năng lãnh đạo, vận động người dân phát triển KT-XH có nhiều hạn chế.

 

             Bản làng đổi mới (Ảnh: Lệ Như )

Do đó, vấn đề phát triển đảng viên, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số càng trở nên bức thiết. Toàn huyện có 30 chi, đảng bộ trực thuộc với 602 đảng viên và 9/102 thôn, bản chưa có đảng viên; 29 thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập tổ chức đảng. Vì vậy, việc lãnh đạo phát triển KT-XH và giữ gìn ANTT tại các địa bàn này gặp nhiều khó khăn.

Đây đều là những thôn, bản ở rất xa trung tâm huyện, một bộ phận dân cư sống du canh, du cư. Việc ổn định và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được đặt ra ngay từ khi thành lập huyện, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả đạt được chưa cao. Điểm mấu chốt là phải bồi dưỡng, phát triển cho được đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng để lãnh đạo nhân dân tạo lập cuộc sống mới.

Xác định công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi bộ và đảng viên là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo các xã, Đảng ủy trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp để khắc phục tình trạng các thôn, bản chưa có chi bộ, đảng viên. Tất cả các xã đều lấy việc kết nạp đảng viên và thành lập mới chi bộ làm tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hàng năm.

Để thực hiện chủ trương phủ kín tổ chức đảng ở các bản, làng vùng dân tộc thiểu số, Huyện ủy đã tăng cường một số cán bộ về các xã, tạo nên sự đồng bộ, nhịp nhàng trong hoạt động của tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với việc tăng cường đi cơ sở để phát hiện các nhân tố mới, Ban Tổ chức Huyện ủy kết hợp với Trung tâm Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng là người dân tộc thiểu số ngay tại trung tâm các xã. Nội dung, kiến thức bồi dưỡng cũng được điều chỉnh, bổ sung phù hợp trình độ, nhận thức của học viên. Nhờ vậy, số người là dân tộc thiểu số được kết nạp vào đảng hàng năm tăng dần.

Thôn Chan Rò và thôn Ku Pua xã Đakrông là hai thôn đặc biệt khó khăn, đồng thời là thôn trắng nhiều năm không có đảng viên. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, chi bộ cơ quan Huyện ủy cùng với Đảng ủy xã đã cử đảng viên vào sinh hoạt với thôn để phát triển đảng viên, đã xóa được thôn bản chưa có đảng viên.

Đến nay toàn huyện có 15 đảng bộ trực thuộc và 45 tổ chức cơ sở đảng và hơn 1.500 đảng viên. Nhiều xã từ chi bộ cơ sở đã chuyển thành đảng bộ cơ sở, nhiều trường học từ chỗ chưa có nay đã có tổ chức đảng và đảng viên và 100% thôn, bản đều có đảng viên.

Hầu hết các đảng viên người dân tộc thiểu số ở các chi bộ mới thành lập đều gương mẫu, thật sự là người đi đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu. Ở nhiều xã đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên làm kinh tế giỏi. Chính họ là “hạt giống đỏ” đi đầu để đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với tập quán mới, như trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng... với mục đích nâng cao đời sống.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực