Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng thuận để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 15/04/2021 17:12
(ĐCSVN) – Qua việc triển khai thực hiện Quy chế của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương đã định hướng tư tưởng và chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị. 

Chiều 15/4, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 238-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở cấp Trung ương. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Báo cáo đánh giá về công tác phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan nhà nước cấp Trung ương qua việc thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 và Quyết định 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại Hội nghị cho biết: Ngày 27/4/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ký Quyết định số 221-QĐ/TW ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn triển khai thực hiện Quy chế ở cả 4 cấp. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương gắn kết chặt chẽ công tác truyền thông với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đồng thời đã ban hành văn bản quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Một số bộ, ngành cũng đã tổ chức phổ biến, quán triệt Quy chế của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương cho các vụ, đơn vị trực thuộc.

leftcenterrightdel
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Quy chế và phương hướng triển khai Quyết định số 238-QĐ/TW tại Hội nghị. 

Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức ký chương trình phối hợp với 9 bộ, ngành; phân công đầu mối theo dõi và thực hiện các chương trình phối hợp đã ký kết; trong đó một số chương trình phối hợp đã tổ chức sơ kết, đánh giá nội dung phối hợp hằng năm hoặc theo chuyên đề.

Qua việc triển khai thực hiện Quy chế của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương đã định hướng tư tưởng và chỉ đạo hướng dẫn tuyên truyền trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ thường xuyên quan tâm phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương lớn, dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư được gửi xin ý kiến của các ban đảng Trung ương. Các cuộc họp thường kỳ hoặc chuyên đề của Chính phủ triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đều có thành phần các ban đảng liên quan tham dự, tham gia ý kiến và phối hợp chỉ đạo, triển khai. Đồng thời, phân công lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tham gia các hoạt động chỉ đạo thông tin tuyên truyền. Một số bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xây dựng hay triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ lớn của ngành. Đối với những sự việc nóng có yếu tố nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Ban Đối ngoại Trung ương đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin cho các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam và phóng viên báo chí quốc tế nhằm giúp họ hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp của Việt Nam; từ đó chia sẻ và ủng hộ Việt Nam.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Chính phủ, bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn tuyên truyền về kinh tế - xã hội; ban hành đề cương, tài liệu tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Tại các cuộc giao ban báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Khi phát sinh những vấn đề quan trọng, “phức tạp”, “nhạy cảm” dễ bị các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát diễn biến tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tài liệu tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân; đồng thời chỉ đạo đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái, thù địch.

leftcenterrightdel
Đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương phát biểu tại Hội nghị. 

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một số đề án và tham gia tổng kết, xây dựng các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng; tham gia nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của bộ, ngành theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng và các hội nghị Trung ương qua các nhiệm kỳ. Một số bộ, ngành đã chủ động chia sẻ, cung cấp nội dung chính sách, dự án, đề án lớn có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của đông đảo người dân để Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng tuyên truyền; đồng thời cử chuyên gia của bộ, ngành đến báo cáo chuyên đề tại các hội nghị giao ban công tác báo chí, hội nghị báo cáo viên, hội nghị tập huấn của Ban Tuyên giáo Trung ương về những vụ việc, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội...

Nhiều bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các hội nghị, tọa đàm tôn vinh nhân tố điển hình vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống của ngành. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội, là động lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi có vấn đề bức xúc nảy sinh trong Nhân dân, Chính phủ, các bộ, ngành đã phối hợp trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, thống nhất định hướng tuyên truyền; đồng thời phối hợp tìm các biện pháp bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần ngăn chặn và giải quyết những vụ việc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát, gây rối an ninh trật tự, phá hoại kinh tế xảy ra. Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các bộ, ngành có bước chuyển biến. Một số bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều bộ, ngành đã phối hợp xây dựng và triển khai các đề án truyền thông nhằm tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức công dân và cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Một số bộ, ngành đã chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo định kỳ tháng, quý hoặc đột xuất cung cấp thông tin chung hoặc chuyên đề về tình hình, chủ trương, biện pháp hoặc kết quả giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân. Nhiều bộ, ngành đã ban hành quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; quy chế hoạt động truyền thông của đơn vị…

Qua hơn 6 tháng triển khai Quyết định số 238-QĐ/TW đã đạt được một số kết quả bước đầu. Một số bộ, ngành Trung ương đã phổ biến, quán triệt Quy chế để thống nhất nhận thức, hành động; đồng thời chỉ đạo cụ thể hóa việc áp dụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Một số bộ, ngành đã chủ động dự thảo chương trình, kế hoạch, đề xuất nội dung chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định nội bộ cho phù hợp với yêu cầu chỉ đạo của Ban Bí thư và tình hình thực tế. Tính đến thời điểm hiện tại, ở cấp Trung ương có 17/48 cơ quan nhà nước quán triệt, nghiên cứu nội dung Quy chế 238 (trong khi đó ở cấp địa phương, theo báo cáo, đã có 47/63 cấp ủy, chính quyền tổ chức quán triệt và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế 238). Ở cấp tỉnh, nhiều cơ quan nhà nước đã chủ động đề xuất chương trình, kế hoạch phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp. Nhiều địa phương đã tổ chức lễ ký kết và đang triển khai chương trình, kế hoạch phối hợp năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình phối hợp chuyên đề khác.

Ý kiến của các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương tại Hội nghị khẳng định, đến nay, tinh thần hợp tác của các cơ quan phối hợp đã có sự chuyển biến. Trước khi có Quy chế 221 và Quy chế 238, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan bộ, ngành Trung ương đã thực hiện công tác phối hợp. Tuy nhiên, sự phối hợp này chưa gắn kết và thường xuyên, trách nhiệm chưa cao; việc tương tác trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế; các hoạt động phối hợp vụn vặt, sự vụ, nhỏ lẻ.

Từ khi có các văn bản trên của Ban Bí thư, công tác phối hợp diễn ra đồng bộ, gắn kết được nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị, thuận lợi hơn và chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn. Các cơ quan phối hợp thấy rõ hơn mục đích, hiệu quả, đã có những bước cụ thể hóa bằng văn bản, bằng cơ chế vận hành để công tác phối hợp được triển khai thiết thực trong thực tế.

Đồng chí Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, thứ Trưởng Bộ Công an cho rằng, việc thực hiện Quy chế 221 và Quyết định 238 đã góp phần ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, công tác tuyên truyền về những hy sinh thầm lặng của lực lượng công an để nhân dân cùng chia sẻ và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách tốt hơn. Qua mấy đợt COVID-19 đã cho thấy, nếu tuyên truyền, vận động người dân thật tốt thì việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng dịch được thực hiện tốt hơn, người dân ý thức hơn, tránh được những vi phạm không đáng có.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, ngay khi có quy chế, Ban cán sự Đảng đã triển khai trong toàn ngành. 5 lĩnh vực lớn, có tính xã hội cao, những thông tin, định hướng của ngành có ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống của nhân dân, của toàn ngành, do đó, ngành Giao thông đã quán triệt, thực hiện ngay từ khi ban hành Quy chế. Trong giai đoạn vừa qua, ngành giao thông đã có những dự án huy động nguồn vốn BOT, những chương trình lớn, dự án lớn đã có sự phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong xã hội, sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân về lĩnh vực GTVT…

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Hội nghị. 

Các đại biểu cũng cho rằng, Quy chế 238 là sự tiếp nối và phát triển của Quy chế 221. Quy chế 238 với những điểm mới, mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung, thể hiện sâu sắc vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, của người đứng đầu cấp ủy; vai trò tổ chức thực hiện của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước; tăng cường trách nhiệm và tính chủ động từ các cơ quan nhà nước trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.

Quy chế 238 đã khắc phục những hạn chế của Quy chế 221, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả hơn công tác phối hợp, rất cần được người đứng đầu cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai sớm, góp phần làm cho chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao trên thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, để phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan nhà nước cấp Trung ương tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy chế 238.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bối cảnh mới, yêu cầu mới liên quan đến vấn đề tư tưởng văn hóa, vấn đề an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội và phát triển kinh tế, công tác đối nội, đối ngoại đòi hỏi các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về kết quả công tác phối hợp thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong quá trình phối hợp triển khai Quy chế 238; chỉ đạo đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, bịa đặt, xuyên tạc, kích động gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng giải pháp phòng ngừa xảy ra “điểm nóng”, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân.

Các cơ quan Nhà nước cần cung cấp sớm, đầy đủ, trung thực các thông tin “nóng”, nhạy cảm, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, sẵn sàng có phương án xử lý các tình huống xảy ra. Chủ động lựa chọn đề xuất chương trình, nội dung phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; tiếp tục thực hiện việc ký kết Chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan Nhà nước. Phát huy các phương thức, hình thức phối hợp truyền thống có hiệu quả; đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện thông tin hiện đại phục vụ công tác phối hợp…Chủ động cung cấp thông tin để Nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi triển khai thực hiện, phải bảo đảm sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhân dân…/.

Tin, ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực