Quán triệt NQĐH XIII của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 28/04/2021 15:09
(ĐCSVN) – Chương trình hành động của ngành Nội chính Đảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
leftcenterrightdel
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận Hội nghị 

Sáng 28/4, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phát động thi đua chuyên đề ngành Nội chính Đảng giai đoạn 2021-2025.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội nghị; đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đồng chủ trì các điểm cầu tại địa phương.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có gần 1.500 cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng, đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy và lãnh đạo một số cấp ủy, cơ quan nội chính tại địa phương.

Hội nghị đã tập trung phổ biến, quán triệt về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ Đại hội XII và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp được nêu trong các Văn kiện Đại hội XIII. Trên cơ sở các nội dung cơ bản trong văn kiện, Hội nghị đã mở rộng làm rõ các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp cần quán triệt, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chương trình hành động của ngành Nội chính Đảng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

leftcenterrightdel
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Cũng tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương phát động phong trào thi đua đối với các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy nhằm nâng cao chất lượng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cải cách tư pháp giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ trì tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự trên địa bàn”.

Theo đó, chuyên đề thi đua được phát động thực hiện trong 05 năm, từ đầu năm 2021 đến hết năm 2025, chia làm 2 đợt: Đợt 1: Sơ kết, khen thưởng những tập thể có thành tích xuất sắc trong 03 năm, tổ chức vào cuối năm 2023; Đợt 2: Tổng kết, đánh giá kết quả và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 05 năm, tổ chức vào cuối năm 2025. Hằng năm có đánh giá kết quả, trao đổi học tập kinh nghiệm, tổ chức vào cuối năm trong phạm vi các cụm.

Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thông qua công tác nghiên cứu báo cáo, văn bản; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; nắm bắt dư luận xã hội và báo chí; công tác theo dõi, nắm tình hình; kiểm tra, giám sát; kiến nghị, đề xuất của các cơ quan có liên quan… để phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý hiệu quả các vụ án, vụ việc tham nhũng; đề xuất với cấp ủy giao ban nội chính chủ trì tham mưu xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn, gồm: Các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra trên địa bàn chưa được phát hiện; các vấn đề phức tạp, nổi cộm có liên quan đến dân tộc, tôn giáo; có yếu tố nước ngoài; khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm… về an ninh trật tự tại địa phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý, làm rõ hơn những nhiệm vụ, nội dung công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời nêu lên những giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết.

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu toàn ngành tập trung làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu toàn Ngành cần chú trọng nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; cơ chế bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu kiểm tra, phát hiện xử lý tham nhũng và cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hoàn thiện thể chế và hệ thống cơ sở hạ tầng để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngành tích cực, chủ động, sâu sát, kiên trì, quyết liệt, bản lĩnh trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn để “không dám tham nhũng”.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu cấp ủy tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Trước mắt là, tập trung tham mưu quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; sơ kết việc thực hiện Hướng dẫn 06-HD/BNCTW về rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kết luận kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; hoàn thiện, ban hành, triển khai có hiệu quả kết luận của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Chỉ thị của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Hội nghị. 

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Chủ động phối hợp, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhất là nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh mạng, an ninh kinh tế; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp.... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ. Trước mắt tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính; chủ trì tham mưu chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.../.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực