Sự thay đổi ủy viên dự khuyết qua các kỳ Đại hội Đảng

Thứ bảy, 06/02/2021 15:28
(ĐCSVN) – Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, là một nhà nghiên cứu, đồng chí thấy rõ sự thay đổi Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị qua các kỳ Đại hội.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ về những thay đổi Ủy viên dự khuyết qua các kỳ Đại hội Đảng. 

Một cách đào tạo, rèn luyện cán bộ

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ, qua theo dõi và tổng hợp từ Đại hội I của Đảng (năm 1935) cho đến Đại hội VI của Đảng đều có Ủy viên dự khuyết (UVDK) của Trung ương. Đại hội I có 3 UVDK, sau này, số UVDK rất nhiều như Đại hội V, Đại hội VI.

“Có thể nói, các đồng chí ủy viên dự khuyết được bầu tại các đại hội sau này trở thành những người chính thức và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Đảng.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, từ Đại hội VII cho đến Đại hội IX thì lại không có ủy viên dự khuyết Trung ương.

“Nhưng sau này, tôi nghĩ là các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng suy nghĩ lại, nên từ Đại hội X tiếp tục có ủy viên dự khuyết.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Số ủy viên dự khuyết cũng khá đông từ Đại hội X, XI, XII, XIII. Cụ thể, khóa X là 20 đồng chí; khóa XI là 24 đồng chí khóa XII là 20 đồng chí và khóa XIII là 20 đồng chí.

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, khi nhìn vào Ban Chấp hành Trung ương, số ủy viên dự khuyết như là một thế hệ 2 để chuẩn bị cho lực lượng chính thức. “Theo tôi, đây cũng là một cách đào tạo, rèn luyện cán bộ rất ấn tượng.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

Còn về Ủy viên Bộ Chính trị dự khuyết, đồng chí Nguyễn Trọng Phúc cho biết, ở Đại hội II có 01 đồng chí; Đại hội III có 02 đồng chí, Bộ Chính trị dự khuyết; Đại hội IV có 03 đồng chí dự khuyết; Đại hội V có 02 đồng chí dự khuyết Bộ Chính trị; Đại hội VI có 1 đồng chí ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Từ Đại hội VII trở lại đây thì không có ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Điều đó phản ánh một điều rằng, đối với cơ quan lãnh đạo cao trong Trung ương, thì các đồng chí cũng cân nhắc xem có cần thiết có ủy viên dự khuyết không? Đây cũng là một cách để đánh giá cán bộ và bố trí cán bộ!

Những tấm gương sáng trong Đảng và trong dân

Chia sẻ về cơ cấu, số lượng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng: 18 đồng chí tham gia Bộ Chính trị khóa XIII thì có 8 đồng chí là tái cử Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, trong đó có cả những đồng chí đặc biệt, còn 10 đồng chí mới tham gia Bộ Chính trị lần đầu tiên. “Theo tôi, cơ cấu như thế rất đẹp! Các đồng chí tái cử đều là những người dày dạn kinh nghiệm, trí tuệ, kiểu mẫu về đạo đức và nêu tấm gương sáng trong Đảng và trong dân. Các đồng chí lần đầu tham gia Bộ Chính trị có 10 đồng chí thì cũng là những gương mặt rất ấn tượng và từ đấy mình có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương nói chung và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc tin tưởng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt tại Đại hội. 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, qua nghiên cứu, theo dõi cho thấy, có hiện tượng đặc biệt là ở Đại hội XII là có 7 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng thì đến đến Đại hội XIII tất cả đều tham gia Bộ Chính trị. “Đó là một bước chuyển trong công tác cán bộ lãnh đạo, thể hiện tính liên tục, tính kế thừa rất rõ và theo tôi, đấy là tinh thần tính khoa học trong công tác cán bộ.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.

Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao có hai trách nhiệm lớn. Một là, trách nhiệm để hoàn thành các vị trí của mình, trọng trách của mình trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trọng trách của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Nhưng còn có trách nhiệm thứ hai nữa, đó là trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng những nhà lãnh đạo kế cận đủ tầm, đủ kinh nghiệm, đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ, đủ uy tín.

“Tôi cho rằng, cái chữ “uy tín” cũng lớn, bởi nhiều khi mình có tầm, có trí tuệ, có nhiều tố chất, nhưng để có uy tín đòi hỏi rất cao, mà uy tín thì không phải chỉ uy tín trong Đảng, uy tín trong dân, thậm chí uy tín quốc tế.” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực