Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 04/09/2020 17:09
(ĐCSVN) - "Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - Vấn đề lý luận và thực tiễn" là Tọa đàm khoa học do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức sáng 4/9, tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Nội chính Trung ương cho biết, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã rất kiên quyết, kiên trì, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xử lý nghiêm nhiều lãnh đạo cao cấp có hành vi tham nhũng với tinh thần tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai.

Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi là có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tệ nạn này thời gian qua là: Quyết tâm chính trị là yếu tố quan trọng.

Theo đồng chí Nguyễn Thái Học, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng.

Qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị vể tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, trong cả nước đã phát hiện 1.121 vụ án/2473 bị can tham nhũng, trong đó có 38/44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng chưa tương xứng với vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý. Trong 5 năm qua, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người.

“Tình hình này đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp đột phá để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo nên sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện hơn nữa công tác này trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thái Học chỉ rõ.

Theo Tiến sỹ Cẩm Thị Lai, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cấp ủy Đảng là tập hợp những đảng viên ưu tú được tổ chức đảng và đảng viên tín nhiệm bầu lên để đại diện thay cho họ, thay cho tổ chức đảng thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức, gánh vác những công việc của đảng, tổ chức giữa hai kỳ đại hội. Cấp ủy có trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của tổ chức đảng, bao gồm hoạt động phòng, chống tham nhũng. Cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng trong mối liên hệ với tổ chức đảng nói chung và người đứng đầu cơ quan, tổ chức nói riêng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng…

Đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tiến sỹ Cẩm Thị Lai cho rằng, cần gắn chặt hơn vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng và quan liêu, lãng phí, bởi đây là những tệ nạn thường đi liền với nhau, là hệ quả của nhau, phải tiến hành đồng thời, không thể tách rời nhau.

Đồng chí Trần Hải Châu, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, thời gian tới cần phát huy và đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền đối với công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu cần thực hiện tốt công tác này theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

“Bản thân người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước” – đồng chí Trần Hải Châu nêu rõ.

Còn theo Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: đại cuộc chống tham nhũng chính là trận tuyến khắc nghiệt nhất vừa để thanh lọc đội ngũ, vừa để thẩm xét, lựa chọn nhân tài, nhất là người đứng đầu.

Để chống tham nhũng hiệu quả, theo Tiến sỹ Nhị Lê, phải có giải pháp đồng bộ, cùng với việc chỉnh đốn bộ máy và cơ chế,  cần phải sửa đổi tư duy làm đầu. “Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng “những thứ tư duy đã đẻ ra nó”. Chống tham nhũng càng phải vậy”. Mặt khác, phải định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội.

Đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực, thông qua cơ chế này để kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát theo hướng không sót, không lọt một ai. Đây chính là cái gốc, động lực để đổi mới thể chế hiện nay. Và người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương và có trách nhiệm - Tiến sỹ Nhị Lê nêu ý kiến.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tạo nhận thức sâu sắc, thống nhất và toàn diện đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, tạo môi trường thuận lợi để người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu phải thực sự phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, gương mẫu trong điều hành, tiên phong trong phòng chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, phải công tâm, nghiêm minh trước hành vi tham nhũng. Hoàn thiện các quy định về quà tặng, kê khai, công khai tài sản, thu nhập, kiểm tra kết luận về không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập .

Đồng chí Ngô Sách Thực cũng cho rằng, để ngăn chặn tham nhũng cần phải xây dựng được những cơ chế để kiểm soát quyền lực, qua đó mọi đối tượng đều không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực