Vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

Thứ tư, 06/01/2010 15:22

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số, những năm gần đây tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức, vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội.

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ dân tộc Sán Chay ở xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).

Tuyến đường từ trung tâm xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn vào thôn Mai Hiên dài hơn ba cây số được đổ bê-tông rộng rãi, sạch đẹp do Nhà nước và nhân dân cùng làm, rất thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa. Mai Hiên có 74 gia đình nằm dọc trên sườn núi thấp hình cánh cung nhìn ra cánh đồng rộng và bằng phẳng vào mùa này xanh mướt bởi các loại cây rau màu vụ đông, đó là hình ảnh tươi mới mà chỉ cách đây mấy năm cánh đồng này hoàn toàn bỏ hoang khi mùa đông đến. Ðây là kết quả mà Hội Phụ nữ xã vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ để giải quyết việc làm và thu nhập khi rau xanh ở đây đã được chị em cung cấp cho thị trường thị xã Bắc Kạn.

Gia đình chị Hoàng Thị Ðiền ở thôn Mai Hiên năm nay trồng 500 m2 rau xanh sạch bệnh, ngày nào chị cũng có rau để vận chuyển lên thị xã Bắc Cạn bán và thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày, là nguồn thu nhập chính của gia đình trong vụ đông năm nay. Phụ nữ ở thôn Mai Hiên đã biết phát huy thế mạnh của vùng ven trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị xã Bắc Kạn nên đã có thu nhập khá, thôn có 74 hộ thì chỉ còn bốn hộ nghèo. Chi hội phụ nữ thôn có 66 hội viên tích cực tham gia sinh hoạt Hội và Câu lạc bộ "Xây dựng gia đình hạnh phúc". Tại xã Xuất Hóa, thôn đồng bào Dao Tân Cư có 72 hộ, đất nông nghiệp ít, nhưng chị em trong thôn đã biết phát huy thế mạnh của đất lâm nghiệp để trồng rừng và trồng chuối nên hầu hết các gia đình đã có thu nhập khá và ổn định, Chi hội phụ nữ Tân Cư có 61 hội viên sinh hoạt, tích cực trao đổi kinh nghiệm, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống gia đình. Ðến nay Tân Cư đã không còn nhà tạm, không có trẻ bỏ học, không có phụ nữ mù chữ, phụ nữ không còn bị phân biệt, bị bạo hành gia đình.

Xuất Hóa có 985 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên thì có 541 chị tham gia sinh hoạt Hội, trong đó có 460 hội viên là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Thị Son cho biết: "Thời gian qua Ðảng ủy, chính quyền và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Chỉ tính riêng năm 2009 có 90% phụ nữ trong xã được tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới; tổ chức được sáu lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi với thời gian hai tháng, mỗi lớp từ 30 đến 35 chị tham gia. Qua đó, năng lực mọi mặt của phụ nữ được nâng lên, vai trò trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định". Từ năm 2007 đến nay, chỉ có một phụ nữ sinh con thứ ba, phụ nữ trong xã đã không phải sống trong những căn nhà tạm dột nát, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 13%. Ðặc biệt, vị thế của phụ nữ được nâng lên, tỷ lệ phụ nữ tham gia HÐND xã chiếm hơn 24%, có 5/19 chức danh cán bộ xã do phụ nữ đảm nhiệm, tỷ lệ đảng viên nữ trong Ðảng bộ xã chiếm 45%.

Là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25%, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, thời gian qua tỉnh xác định nâng cao năng lực mọi mặt cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số là giải pháp đột phá thực hiện chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện điều đó, tỉnh thường xuyên kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ từ cấp xã trở lên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, giải pháp khẳng định vị thế của phụ nữ nói chung và công tác đối với cán bộ nữ thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 11- NQ/T.Ư ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị. Việc đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ đã được các cấp ủy Ðảng coi trọng, cụ thể là số cán bộ nữ được cử đi đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đã tăng lên, từ năm 2004 đến 2008 toàn tỉnh đã có 154 cán bộ nữ, chiếm 27,5%, từ đầu năm 2009 đến nay có 48 cán bộ nữ, chiếm gần 33% số cán bộ được cử đi đào tạo hai hệ nêu trên.

Nhìn chung, sau khi được đào tạo, trình độ, năng lực của cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt, từ đó việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ nữ cũng được thuận lợi và hiệu quả hơn. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp tăng hơn, nhiệm kỳ 2005- 2010 tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh tăng 3,5%; cấp huyện tăng 7,6% và cấp xã tăng 4% so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia HÐND cấp tỉnh chiếm 20%, cấp huyện gần 24% và cấp xã gần 18% tổng số đại biểu. Ðồng chí Ðồng Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN, Phó Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho biết thêm: Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở gần 35% sở, ban, ngành của tỉnh và hầu hết chị em đều phát huy tốt khả năng, phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ðảng viên nữ trong Ðảng bộ tỉnh chiếm 31%, trong đó phần lớn đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số.

Trên diện rộng, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, năng lực mọi mặt nên phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có tiến bộ rõ rệt, đến nay hầu như không còn phụ nữ trong độ tuổi 18 - 35 mù chữ, số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt Hội đạt hơn 73%. Toàn bộ đội ngũ cán bộ làm công tác Hội ở các cấp được tập huấn Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để tuyên truyền cho phụ nữ trong tỉnh nắm bắt các văn bản này áp dụng vào cuộc sống. Riêng năm 2009 toàn tỉnh có 2.000 phụ nữ được học nghề ngắn hạn và gần 15 nghìn chị tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất, đời sống; toàn tỉnh có hơn 27 nghìn phụ nữ vay 414 tỷ đồng do Hội Phụ nữ quản lý.

Ðược nâng cao năng lực mọi mặt, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nên ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương do phụ nữ thực hiện. Nhờ đó, phụ nữ các dân tộc thiểu số trong tỉnh là một nhân tố quan trọng góp phần giảm bình quân 5% hộ nghèo/năm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực