Bắc Kạn: Hướng tới sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 28/09/2021 08:10
(ĐCSVN) - Là tỉnh miền núi, hàng năm, tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ở tỉnh Bắc Kạn diễn biến rất phức tạp. Để thích ứng với tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng có xu hướng cực đoan, ngành Nông nghiệp và bà con nông dân trong tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.
 Chị Chu Thị Lan, dân tộc Tày ở thôn Nà Mỵ, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn bỏ lúa chuyển sang trồng cỏ nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò do diện tích ruộng thường bị ngập lụt vào mùa mưa.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, chỉ tính riêng thiệt hại do thiên tai gây ra trong giai đoạn 2012 - 2019 trên địa bàn tỉnh đã vào khoảng trên 740 tỷ đồng. Thiên tai đã làm 19 người chết, 37 người bị thương; 46.423 ngôi nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 50.451 ha lúa, hoa màu, thủy sản bị thiệt hại; 9.353 con vật nuôi bị chết; 583 công trình thủy lợi bị hư hỏng; gần 2 triệu m3 đất đá đường giao thông sạt lở.

Trước những diễn biến thất thường, cực đoan của thời tiết, từ giữa năm 2019, gia đình chị Chu Thị Lan, dân tộc Tày ở thôn Nà Mỵ, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã chuyển đổi diện tích ruộng gần 01 ha trước đây chuyên trồng lúa ở ven suối thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa sang trồng cỏ, nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Bắc Kạn nói riêng, trồng cỏ nuôi bò là một phương thức sản xuất đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nó như một cách để người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu thì mô hình này luôn chứng tỏ tính kinh tế và thời sự cao. Như với nhà chị Lan, ngày trước trên đất trồng lúa ven suối, gia đình có thể canh tác 2 vụ/năm, song những năm gần đây, thường xuyên diễn ra mưa lũ bất thường nên có những năm tưởng được mùa bỗng lại thành thất bát. Tuy nhiên, vẫn trên diện tích đó, nếu chuyển sang trổng cỏ nuôi bò  nhốt thì không lo thiệt hại bởi ngập lụt vì sức sống của cỏ mãnh liệt hơn.

Chị Nông Thị Thảo ở thôn Nà Đúc, xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết, mấy năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, khi mưa dài ngày gây lũ lụt, lúc lại nắng gay gắt kéo dài nên đã xuất hiện tình trạng khô hạn.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, chị chuyển sang trồng bí xanh thơm - một loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao, đồng thời cũng là một đặc sản của tỉnh Bắc Kạn.

Trên diện tích hơn 2.000m2 ruộng năm ngoái, sau khi chuyển sang trồng bí xanh 1 vụ, chị Thảo thu 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Vụ còn lại chị vẫn duy trì trồng lúa, đảm bảo đủ lương thực cả năm cho gia đình. Chị Thảo cho biết, nếu trồng lúa 2 vụ một năm như trước đây thì cũng chỉ bán được chừng 6 - 7 triệu đồng, bằng 1/3 thu nhập so với trồng bí.

 Chị Nông Thị Thảo chọn bí xanh thơm làm cây trồng thích ứng với tình trạng hạn hán ở địa phương. (Ảnh: TD)

Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoạn xảy ra trên địa bàn tỉnh nhiều hơn. Do đó, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu được tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được trên 408,3 ha do các diện tích đó thiếu các điều kiện có thể canh tác cây lúa.

Các loài cây trồng chủ lực được xác định để tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, gồm: ngô, rau màu các loại, đỗ tương, lạc, khoai môn, khoai tây, nghệ, dong riềng, thuốc lá, gừng, bí xanh thơm, dưa hấu, dưa lê, các loại cây trồng có múi, mơ, mận, hồng không hạt...

Các mô hình lúa chất lượng, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, được sản xuất bằng các giống địa phương có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn, phù hợp với thời vụ, điều kiện địa phương, tránh được mùa mưa lũ, với diện tích bình quân là 3.333 ha/năm (vùng sản xuất lúa bao thai tại huyện Chợ Đồn; vùng sản xuất lúa Khẩu lua lếch tại huyện Ngân Sơn...)

Hiện nay, Bắc Kạn đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế giúp khảo sát, đánh giá để thấy xu thế, tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, sinh kế của nông dân; khả năng tự thích ứng của bà con và xác định các mô hình điển hình có khả năng tự thích ứng. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, địa phương sẽ xây dựng chiến lược căn cơ, bài bản, dài hạn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo tính khả thi, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn./.       

Trí Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực