Chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 22/11/2021 18:09
(ĐCSVN) - Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đứng trước những thách thức to lớn của thiên tai, trong đó có vấn đề sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Chính vì vậy, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để hạn chế rủi ro do loại hình thiên tai này gây ra như: Củng cố hệ thống đê bao, bờ bao phù hợp với quy hoạch; quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển,...
 Nhiều địa phương phía Nam tập trung đầu tư kè chống sạt lở
khu vực ven bờ biển đảm bảo an toàn cho cư dân. (Ảnh: K.V)

Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đứng trước những thách thức to lớn của thiên tai, trong đó có sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển. Qua công tác quản lý và thống kê của các địa phương, hiện Đồng bằng sông Cửu Long còn 73 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải được xử lý với tổng chiều dài 132 km.

Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện nay, tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô. Điều này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch, với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn, đặc biệt đối với một số khu vực được xem là điểm nóng, tình trạng này còn xuất hiện nhiều hơn, với quy mô lớn.

Nguyên nhân của những vấn đề nêu trên do công tác phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó có thể kể đến: Chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư khu vực sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển còn thấp; việc lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai trong đó có phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức; việc đầu tư kinh phí để xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển thời gian qua còn hạn chế,...

Trước tình hình sạt lở gia tăng nói chung và các loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện trong khu vực, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện chủ động “sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững. Trong đó, xác định các tiểu vùng sinh thái làm định hướng chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, bao gồm: vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi theo quy hoạch vùng và quy định của pháp luật về quy hoạch trên cơ sở rà soát, đánh giá lại hệ thống đê bao, bờ bao, phương án chỉnh trị và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, phương án chuyển đổi sản xuất của vùng, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ven sông, ven biển và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao phù hợp với quy hoạch, bảo đảm kiểm soát lũ, phát triển sản xuất bền vững,...

Đi cùng với đó, xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống bão, lũ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cực đoan để chủ động trong phòng ngừa. Kiểm soát chặt chẽ việc nạo vét, khai thác cát trên sông, kênh rạch; kiểm soát việc khai thác nước ngầm, khắc phục tình trạng sụt lún đất.

Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân xây dựng, nâng cấp nhà ở an toàn, chủ động ứng phó với lũ, bão, sạt lở, lốc, sét, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển; từng bước giải tỏa công trình, nhà ở không bảo đảm an toàn ven sông, kênh, rạch, sắp xếp lại dân cư để phòng chống sạt lở, bảo đảm thoát lũ.

Mặt khác, xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ bao, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng xây dựng công trình gắn với liên kết vùng, phục vụ đa mục tiêu, giao thông kết hợp với thủy lợi, đê điều. Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là tại khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, hạ tầng thiết yếu.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hòa nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công để chia sẻ thông tin, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công. Mặt khác, nâng cao chất lượng dự báo về lũ, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động phòng ngừa, ứng phó./.

Phương Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực