Chủ động phòng chống thiên tai ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Thứ ba, 28/09/2021 16:51
(ĐCSVN) - Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới bị tác động nặng nề nhất trong vòng 20 năm qua và là một trong 6 nước chịu tác động lớn nhất trong 4 năm gần đây của biến đổi khí hậu. Trong số những nơi chịu tác động trực tiếp, thì vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn bị tác động mạnh mẽ của thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ…
leftcenterrightdel
 Một góc khu vực sạt lở, tại thôn 1, xã Trà Leng (ảnh tư liệu: Đình Tăng)

Những tổn thất nặng nề do thiên tai

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong năm 2020, cả nước đã có 576 đợt thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 265 trận dông lốc, 120 trận lũ quét, làm 357 người chết và mất tích, 3.400 nhà sập, trên 330.000 nhà bị hư hại, tốc mái, 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, tổn thất rất lớn về kinh tế.

Đặc biệt là trận lũ bão lịch sử “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, sạt lở đất tại một số tỉnh miền Trung, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại nhiều tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thiên tai gây thiệt hại rất lớn.

Vào cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng của bão số 9, số 10 và mưa lớn, tại làng Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng đã xảy ra trận lũ quét xóa sổ ngôi làng này. Cả làng có 9 người chết, 13 người đến nay còn mất tích; hàng chục ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn.

Còn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mưa lũ đã làm 17 công nhân và 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc đoàn cứu hộ bị vùi lấp thiệt mạng, hy sinh, một số người đến nay vẫn mất tích.

Mưa lớn cũng đã làm sạt lở đất tại Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã vùi lấp làm 22 cán bộ, chiến sỹ hy sinh...

Nhưng không chỉ miền Trung, trên cả nước cũng đã chịu nhiều thiệt hại do thiên thai, bão, lũ. Tại tỉnh Hà Giang, năm 2020, đã xảy ra 25 đợt mưa, lũ quét, sạt lở đất; làm chết 14 người, 20 người bị thương; làm hư hỏng 7.485 ngôi nhà và nhiều tài sản khác, ước thiệt hại trên 840 tỷ đồng.

Hay tại tỉnh Kon Tum, năm 2020, nắng nóng kéo dài khiến 14 công trình nước sinh hoạt tập trung và 1.641 giếng của người dân bị khô hạn, ảnh hưởng đến hơn 2.300 hộ dân; 1.014,61 ha cây trồng bị khô hạn… Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính lên đến 656,15 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ sạt ở đất ở Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (ảnh tư liệu)

Sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn cả nước, thiên tai gây thiệt hại như sau: Về người: 25 người chết, 29 người bị thương; Về nhà ở: 76 nhà sập đổ hoàn toàn, 4.651 nhà bị hư hỏng, tốc mái; Về chăn nuôi: 4.507 gia súc, gia cầm bị chết (2.326 gia súc, 2.181 gia cầm chết); Về trồng trọt: 67.818 ha lúa, rau màu và 471 ha cây ăn quả bị thiệt hại; Về đê điều, thủy lợi: 4,8 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; Về giao thông: 6.877m đường giao thông sạt lở; 23.205 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 132 tỷ đồng.

Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi những năm gần đây thường xảy ra các loại hình thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, lũ ống… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở đất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều cùng với các hoạt động bởi chính con người thực hiện như phá rừng, khai khoáng, làm thủy điện…

Sạt lở đất đá khiến nhiều nơi mất đất sản xuất, chủ yếu là các diện tích ruộng vùng thung lũng ven sông, suối, ảnh hưởng đến nơi sinh sống và sản xuất của đồng bào các dân tộc. Trong khi đó, có nơi lại xảy ra tình trạng hạn hán nặng nề, điển hình là tỉnh Ninh Thuận.

Cần thi hành đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống thiên tai

Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phần lớn là tỉnh nghèo. Do đó, khi thiên tai xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, các tỉnh trong vùng cần quán triệt quan điểm chỉ đạo chung đối với công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn là phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy sự an toàn của người dân, làm thước đo cho kết quả các hoạt động của phòng, chống thiên tai; phòng chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, từ cơ sở là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

leftcenterrightdel
 Tiếp tục sắp xếp, quy hoạch dân cư hợp lý là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (ảnh: Trần Quỳnh)

Cần tập trung kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ tỉnh tới cơ sở; phân công trách nhiệm từng thành viên, từng cơ quan, tổ chức.

Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để bảo đảm an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác, chú trọng, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi, giám sát thiên tai; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, dự báo đúng tình hình, tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra.

Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở; ưu tiên bố trí ngân sách các cấp cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, hồ đập, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

Tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy trình, thủ tục liên quan tới công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai để bảo đảm công tác khắc phục hậu quả thiên tai được minh bạch, nhanh chóng, kịp thời, khắc phục tình trạng chậm trễ trong khắc phục hậu quả thiên tai./.

Hoàng Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực