Nắm chắc tình hình thiên tai để có phương án ứng phó phù hợp

Thứ hai, 22/11/2021 16:38
(ĐCSVN) - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, cần chủ động cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, các trọng điểm thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn kịp thời để điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp thực tiễn.
 Người dân vận chuyển các vật dụng của gia đình đến nơi an toàn nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ (Ảnh: CTV)

Nắm chắc tình hình thiên tai để có phương án ứng phó phù hợp

Qua nhiều năm ứng phó với thiên tai, đặc biệt là năm 2020, mưa lũ khốc liệt xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, cần chủ động cập nhật, nắm chắc diễn biến thời tiết khí hậu thủy văn; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, các trọng điểm thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn kịp thời để điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp thực tiễn.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng nhấn mạnh đến vấn đề cần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chỉ đạo của chính quyền; chủ động tham mưu và trực tiếp điều hành của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, trong đó lấy lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt.

Đáng chú ý, chủ động hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các tình huống. Tổ chức luyện tập, diễn tập để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai; xây dựng ý thức trách nhiệm cho lãnh đạo các cấp nhằm chủ động sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải nắm chắc thời cơ, khẩn trương, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phù hợp với địa hình và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Trong bối cảnh năm nay, khi nguy cơ thiên tai và dịch bệnh có khả năng cao cùng lúc xảy ra, công tác truyền thông là một trong những vấn đề cần được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chú ý. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi tình huống này xảy ra, cần xác định nguyên tắc: Thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người.

Nguyên tắc sử dụng các kênh truyền thông trong hoàn cảnh thiên tai và dịch COVID-19: với ngắn hạn ứng phó với tình trạng khẩn cấp, đó là cần đưa thông điệp càng nhanh càng tốt; đưa thông điệp đến càng nhiều người bị ảnh hưởng càng tốt. Đồng thời, nguyên tắc sử dụng kênh thông tin đơn giản, truyền thống, sẵn có tại cộng đồng với chi phí hợp lý kết hợp sử dụng truyền thông đại chúng, mạng xã hội kết hợp với truyền thông trực tiếp nhóm nhỏ, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ái, cần chuyển tải đến người dân thông điệp sơ tán an toàn – vượt qua thảm họa kép thiên tai và COVID-19. Trong đó, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập trong quá trình sơ tán và tại nơi sơ tán, hạn chế chạm vào các bề mặt chung như mặt sàn, tay nắm cửa,… Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay. Sát khuẩn đồ đạc cá nhân bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch sát khuẩn. Thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc người phụ trách quản lý khu sơ tán khi gặp người có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19,…

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (nay là Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai), do tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ rủi ro thiên tai có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, tính mạng của người dân và thành quả của xã hội chỉ được đảm bảo an toàn khi công tác phòng ngừa và ứng phó được coi trọng và thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động kinh tế, xã hội; đặc biệt cần quan tâm đầu tư cho giai đoạn phòng ngừa, khắc phục tình trạng khi thiên tai qua đi thì các hoạt động liên quan thường bị xem nhẹ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, chính sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp, nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, để ứng phó với thiên tai trong năm 2021 khi cùng lúc phải ứng phó với dịch bệnh, các địa phương cần chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chung tay cùng cả nước chống dịch, dập dịch COVID-19 khẩn trương, hiệu quả. Để nếu khi thiên tai xảy ra, chúng ta chỉ còn phải tập trung phòng chống thiên tai theo các kế hoạch, phương án và kịch bản đã chủ động xây dựng.

Đi cùng với đó, chủ động rà soát các phương án ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt phương án sơ tán dân, rà soát các địa điểm sơ tán, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân và an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin, truyền thông hướng dẫn kỹ năng cho các cấp và người dân để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo mỗi người dân đều nắm được các hướng dẫn kỹ năng an toàn trong bối cảnh “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Người dân chuẩn bị chỗ ở tạm thời cho vật nuôi khi nước lũ dâng cao Ảnh: CTV)

Thiên tai còn diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiều khả năng trong tháng 1/2022 vẫn còn xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ.

Tại khu vực Bắc bộ, về lượng mưa, dự báo, từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 có xu hướng ít mưa và tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khu vực Trung và Nam Trung bộ, từ tháng 10-12/2021, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%. Từ tháng 1-3/2022, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn từ 15-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thiên tai vẫn thường xuyên xảy ra hàng năm, tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, với đặc thù nước ta đang phải phòng chống dịch COVID-19, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai cần phải chú ý thêm về vấn đề này, nhất là trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang còn rất phức tạp, số ca nhiễm vẫn đang ở con số cao ở nhiều tỉnh thành. Hiện dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai cũng cần có nhiều thay đổi, thích ứng trong tình hình mới./.

Phương Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực