Nhân Ngày Quốc tế Phòng chống thiên tai 13/10: "Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép"

Thứ tư, 13/10/2021 14:02
(ĐCSVN) - Ngày Quốc tế Phòng chống thiên tai 13/10 năm nay có chủ đề: “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép”. Thách thức kép đó là vừa đối phó với thiên tai diễn biến phức tạp và cực đoan, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19. Những thách thức ngày càng trở nên khó khăn và nặng nề hơn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi phải hứng chịu nhiều thiên tai và đời sống kinh tế - xã hội khó khăn.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép” chính là chìa khóa để các quốc gia vượt qua dịch bệnh, khôi phục kinh tế và tăng cường sức chống chịu trước thiên tai”.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình sạt lở, bồi lấp cửa sông ở huyện Kỳ Anh và huyện Lộc Hà (ảnh: Thu Hằng)

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã tích cực thực hiện chủ trương “ngoại giao vaccine nhằm đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho mọi người dân sớm nhất để vừa giúp bảo vệ người dân, vừa chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó gây bệnh COVID-19, nhất là khi xảy ra thiên tai, thông thường các địa phương phải tiến hành sơ tán, tập trung dân về nơi an toàn.

Nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thường xuyên hứng chịu những hậu quả của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 8 cơn bão, 2 đợt áp thấp nhiệt đới trên biển; hiện tượng rét đậm, rét hại những tháng đầu năm; hàng chục trận động đất nhẹ; mưa lớn kéo dài kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá tại vùng núi, mưa dông trên vùng biển phía Nam; xảy ra 08 trận lũ ống, lũ quét; nắng nóng cục bộ kéo dài ở một số tỉnh Tây Nguyên... gây thiệt hại nặng nề cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Nhắc lại những thiệt hại nặng nề về người và của do cơn bão số 9, số 10 gây ra cho các tỉnh miền Trung hồi tháng 10 và tháng 11/2020, ông A Lăng Mai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, trong khi hậu quả của thiên tai phải mất nhiều năm mới khắc phục xong thì năm 2021, dịch bệnh COVID-19 lại xảy đến, khiến vùng DTTS&MN của tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn.

leftcenterrightdel
 Bản đồ tỉ lệ nghèo (nguồn: “Báo cáo nghèo đa chiều” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam; Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện) -  Infographic: Trần Quỳnh

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng, trong bối cảnh bão lũ, thiên tai và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc làm, sinh kế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn.

Vùng DTTS&MN vốn là vùng “5 nhất” của cả nước, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất; điều kiện khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; điều kiện kinh tế - xã hội thấp nhất” nên cần sự giúp đỡ nhất.  

Do vậy, gia tăng các nguồn lực hỗ trợ vùng DTTS&MN vừa giảm thiểu tác động của thiên tai, vừa giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 là rất cần thiết nhằm giúp người dân đảm bảo an sinh xã hội cũng như ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay, địa phương đã thành lập các nhóm sử dụng mạng xã hội để kết nối 208 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn. Qua đó, phát huy vai trò của người có uy tín tham gia cùng các tổ COVID-19 cộng đồng để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Nhắc lại chủ đề Ngày Quốc tế Phòng chống thiên tai 13/10 năm nay là “Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép” để thấy rằng, ứng phó với thiên tai, nhất là với vùng DTTS&MN thì việc tập trung nhiều và mạnh hơn nữa các nguồn lực trong xã hội là hết sức cần thiết, trong đó phát huy vai trò của người cao tuổi, người có uy tín, thông qua các mạng xã hội như cách làm của Đồng Nai là một kinh nghiệm quý cần tham khảo./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực