Phạt tiền tối đa đến 350 triệu đồng nếu vi phạm lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều

Thứ sáu, 14/01/2022 07:54
(ĐCSVN) - Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Trong đó, mức phạt tối đa là 350.000.000 đồng.
 Kiểm soát viên Hạt Quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức kiểm tra, xác định khối lượng phế thải đổ trái phép trên mặt đê tả Đáy. (ảnh: KH)

Theo quy định tại Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022, các hình thức xử phạt hành chính được phép áp dụng gồm: Cảnh cáo, phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như sau: Các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả khác, gồm: Buộc tiếp tục thực hiện hoạt động cứu trợ; Buộc đóng Quỹ phòng, chống thiên tai; Buộc trồng lại cây chắn sóng đã phá hoại; cỏ đã bị cuốc, xới, rẫy; Buộc sửa chữa, khắc phục những hư hỏng công trình đê điều; Buộc nộp lại vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.

Nghị định quy định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt, cụ thể:

Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50.000.000 đồng; đối với lĩnh vực đê điều là 100.000.000 đồng; đối với lĩnh vực thủy lợi là 250.000.000 đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Chi cục trưởng Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều; Trưởng đoàn thanh tra của Chi cục chuyên ngành về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi, đê điều; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 35.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 175.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 70.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 70.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 350.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 140.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; 250.000.000 đồng đối với lĩnh vực thủy lợi; 100.000.000 đồng đối với lĩnh vực đê điều; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt của Kiểm ngư, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra chuyên ngành Giao thông vận tải, Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành, thay thế Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt để giải quyết.

TQ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực