Phát triển các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ ba, 15/11/2022 08:49
(ĐCSVN) - Từ ngày 6 - 18/11, tại Ai Cập, diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Hội nghị có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có hoạt động theo chủ đề như "Ngày về thích ứng và nông nghiệp", thảo luận các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp và hệ thống lương thực trước các tác động bất lợi của khí hậu…
leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: Nguyễn Hưởng)

Nằm ở cuối châu thổ sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long nước ta có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từng bước thích ứng, các địa phương trong vùng đã có nhiều giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo năng suất, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng các hình thái thời tiết cực đoan.

* Chiến lược thích ứng

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp trên 30% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Khu vực này chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, đây là vùng được thiên nhiên ưu đãi, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái đa dạng, từ sinh thái biển đảo, cù lao châu thổ, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo.

Tiềm năng là vậy, nhưng đồng bằng châu thổ cũng đứng trước rất nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Theo Phó Giáo sư Văn Phạm Đăng Trí, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), ngoài yếu tố trực tiếp từ con người, biến đổi khí hậu đang là vấn đề gây nhức nhối ở Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng cực đoan như hạn hán gia tăng trong mùa khô, ảnh hưởng của El Nino và La Nina, tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng.

Với chủ trương phát triển theo hướng "thuận thiên”, chủ động hóa giải những thách thức, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các địa phương trong vùng triển khai nhiều giải pháp thích ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo sự phát triển bền vững cho toàn vùng.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hậu Giang, Trần Văn Huyến, thuộc tiểu vùng sông Hậu, Hậu Giang nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều là triều biển Đông qua sông Hậu và triều biển Tây qua sông Cái Lớn nên khả năng tiêu thoát lũ chậm. Còn xâm nhập mặn thường xảy ra ở các vùng giáp ranh tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang.

Để thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2014-2020, Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, gia tăng hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn mới, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 với nhiều giải pháp căn cơ như: phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) theo 3 tiểu vùng (vùng ngọt, vùng chồng lấn ngọt - lợ và vùng lợ ngoài đê), xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh. Tỉnh cũng từng bước xoay trục chiến lược, thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên các nội dung thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro thiên tai.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến thiếu nước ngọt vào mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và chất lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất. Cùng với đó, mực nước biển dâng cao kết hợp với dòng chảy mùa khô giảm khiến hiện tượng xâm nhập mặn theo thủy triều tiến sâu hơn về phía đất liền, làm suy giảm chất lượng đất. Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Trà Vinh xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh, sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng VietGap (thực hành nông nghiệp tốt), Global Gap (tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt), xây dựng các quy trình canh tác, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao sức chống chịu của cây trồng với biến đổi khí hậu.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Bạc Liêu đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các khâu như sản xuất giống, quy trình sản xuất, quản lý môi trường và dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất cùng nhóm sản phẩm trong 1 vụ ít nhất là 30% so với năm 2020; chọn tạo được 1-2 giống lúa thơm ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu...

* Mô hình hiệu quả

Cùng với các định hướng chiến lược, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Kiên Giang đã xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên vùng đất phèn mặn đạt hiệu quả cao. Theo đó, ngành chức năng phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền triển khai mô hình ở 2 huyện nhiễm phèn mặn nặng nhất của tỉnh là Hòn Đất và Gò Quao. Trong khuôn khổ mô mình, tiến hành tập huấn kỹ thuật cho nông dân về quy trình canh tác lúa, quản lý nước, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi các chỉ tiêu độ mặn, nhiệt độ, pH, mực nước, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo quy trình canh tác lúa “1 phải 6 giảm” (1 phải là giống xác nhận, 6 giảm gồm: giảm giống, giảm thuốc, giảm phân, giảm nước, giảm thất thoát và giảm khí phát thải). Đồng thời, lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước tự động, ống cảm biến ướt - khô xen kẽ và trạm bơm tưới thông minh, giúp nông dân điều khiển các hệ thống trên chỉ cần qua điện thoại thông minh. Cây lúa tại diện tích trồng theo mô hình phát triển tốt, đảm bảo lịch thời vụ, không bị ảnh hưởng hạn mặn, năng suất ổn định. Quá trình canh tác giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống dẫn đến giảm chi phí sản xuất trong khi lợi nhuận thu được hơn hẳn với vùng thực hiện ngoài mô hình, lại chủ động được các giải pháp ứng phó với hạn mặn và các điều kiện thời tiết trong quá trình canh tác.

Còn tại Cà Mau, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Hình thức nuôi tôm kết hợp phát triển rừng ngập mặn (nuôi tôm dưới tán rừng) đang  phát huy hiệu quả tại địa phương, góp phần mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu.

Phát triển hình thức nuôi tôm kết hợp trồng rừng ngập mặn này, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã phối hợp với Ban quản lý bảo vệ rừng, địa phương, đơn vị và người dân thực hiện các dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Đến nay, tỉnh có hơn 19.000ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn được các tổ chức quốc tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm tôm nuôi theo hình thức này được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác.

Dưới góc độ bảo vệ môi trường, đây là phương thức nuôi tự nhiên, sinh thái, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, giúp khôi phục, phát triển diện tích rừng vùng ven biển, giảm lượng phát thải, phát huy khả năng giữ đất, chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Phương thức nuôi tôm này cũng tiêu hao ít năng lượng, chi phí đầu tư thấp, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế nguồn thải phát sinh. Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đề xuất mở rộng thực hiện hình thức canh tác này góp phần đạt mục tiêu tăng tưởng xanh và phát triển bền vững của Quốc gia.

 

Thanh Trà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực