Rà soát phương án sơ tán dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét

Thứ năm, 11/08/2022 14:00
(ĐCSVN) - Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, hoàn lưu vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc Bộ, do đó, các địa phương cần theo dõi tình hình thời tiết; rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn: B.T)

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 11h ngày 10/8, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.249 tàu/228.960 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đến 22h ngày 10/8 không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Tàu cá thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã vào nơi neo đậu an toàn.

Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có 98.303 ha diện tích, 20.861 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, 2.851 chòi canh với 6.302 người. Đến 21h ngày 10/8 các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã hoàn thành sơ tán người lao động trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.

Về tình hình khách du lịch, tại Quảng Ninh và Hải Phòng, hiện có tổng số 13.465 khách du lịch. Trong đó có 4.333 khách du lịch trên các đảo. Đến 21h ngày 10/8, tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển 28/204 khách du lịch từ Cô Tô, Vân Đồn vào bờ; 176 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn. Thành phố Hải Phòng đã di chuyển 1.147/4.129 khách du lịch từ Cát Bà vào bờ; 2.982 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn.

Về sản xuất lúa tại khu vực phía Bắc đến Nghệ An, tổng diện tích lúa Mùa đã gieo cấy khoảng 1 triệu ha theo kế hoạch và chưa đến kỳ thu hoạch. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án tiêu úng cho các diện tích lúa mới gieo cấy.

Đáng chú ý, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An gồm có 114.895 người. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ. Bên cạnh đó, có 2.362 điểm giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Các tỉnh đã sẵn sàng phương án cảnh báo, tổ chức canh gác tại những khu vực nguy hiểm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, hoàn lưu vùng áp thấp sẽ tiếp tục gây mưa vừa, mưa to tại các tỉnh Bắc Bộ và gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh. Do đó, để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, đối với tuyến biển, đảo, cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn. Kiểm tra hệ thống thoát nước, tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Triển khai phương án di dân khu vực không đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở. Triền khai vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất khi đã đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, theo dõi tình hình thời tiết, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lớn. Chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối; kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và canh gác, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông an toàn tại các trọng điểm xung yếu. Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

Đồng thời, triển khai phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố giao thông. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Đối với các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Cà Mau, theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mùa Tây Nam, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Cùng với đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo về: mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mùa Tây Nam và khu vực bị ảnh hưởng, đảm bảo độ tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ sau bão. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, kịp thời đưa tin về diễn biến mưa lũ sau bão và công tác chỉ đạo ứng phó./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực